Vậy là các bạn học sinh chỉ còn học hết tuần này nữa thôi, qua nghỉ lễ chuẩn bị cho thi học kỳ II, rồi học ít ngày, rồi tổng kết là đã kết thúc một năm học.
Con mình bảo sao chưa năm nào con thấy nhanh như năm nay, mới ngày nào lo thi tốt nghiệp mà giờ đã chuẩn bị kết thúc lớp 10 rồi.
Đúng lắm con ạ, khi mình càng lớn, thì mình càng thấy thời gian gần như không phải trôi nữa mà là lao, nó lao vùn vụt. Với tốc độ của tàu cao tốc 300km/h chứ không phải của cái tàu chợ ọp ẹp TN-HN mà suốt 4 năm học Đại học năm xưa mình đã từng đi: 3h cho 70km, với hơn 10 ga dừng.
Nhưng mà chậm thì lại cho nhiều kỷ niệm. Có ai từng là sinh viên lại không nhớ những chuyến tàu của một thời xa vắng ? Cho nên khi các đường sách gần nhà mình họ dựng lên mô hình một số toa tàu và đề trên đó dòng “The train of youth” lại nhắc mình về những điều xưa cũ!
Những chuyến tàu, những sân ga và những con người trên đó – nào là hành khách, nào là người đưa tiễn, nào là người đón chờ đều là những thứ vừa thực tế lại vừa ảo mộng! Một lúc nào đó mình cũng sẽ lại cùng các bạn du hành trên những chuyến tàu này nhé, những chuyến tàu của thời gian!
Ôi thời gian!
Sao gặp nhau lại cứ phải chia tay
Con tàu đến rồi đi nhanh quá đỗi
Sân ga cô đơn tự mình không hiểu nổi
Tháng năm vơi đầy nỗi nhớ niềm thương.
Mười hai năm sống dưới mái trường
Trong tình thương thầy cô, bè bạn
Mười hai năm – cứ tưởng dài vô hạn
Đã sắp hết rồi, nhanh quá, thời gian.
(Chia tay- Phương Tuấn Linh)
Chẳng trách mà trong tiếng Anh động từ đi kèm với danh từ “Time” với ý nghĩa này tương đối nhiều: go, pass, fly….
Khi còn nhỏ ta luôn thấy thời gian ơi sao trôi chậm thế, nhanh nhanh lên để ta mau lớn ta được đi làm, ta được đi đến nơi ra muốn đến mà không cần phải có người lớn bên cạnh chỉ ta phải làm thế này phải làm thế kia?
Ấy thế mà khi lớn lên thì ta lại giật mình thảng thốt vì mới nghỉ Tết nguyên đán đây thôi mà đã lại rậm rạp cho ngày nghỉ Lễ Lao động rồi! Đứa con gái bé bỏng ngày nào nó còn nhỏ xíu bên mình thế mà đứng trước gương giờ mình thua con đến cả cái đầu.
Gương kia ngự ở trên tường
Thời gian nhanh chậm đo lường làm sao?
Có rồi đó thôi, có nhà vật lý người Do Thái đã dành cả đời chỉ đế nghiên cứu mấy cái khái niệm hay học thuyết trừu tượng kinh khủng khiếp, Thời gian – Không gian – Thuyết tương đối, những thứ người thường như mình không sao có thể hiểu nổi dù có đọc đi đọc lại đến cả trăm lần (tất nhiên là thực tế mới chỉ lướt qua có một, sợ quá chạy mất dép luôn 🙂
Nhưng người thông minh thì luôn có cách làm cho những cái khó hiểu trở nên gần gũi hơn bao giờ hết
“Khi một người đàn ông ngồi cùng một cô gái xinh đẹp trong một giờ, thời gian như chỉ là một phút. Nhưng để anh ta ngồi trên bếp lò nóng trong một phút, thời gian đó dài hơn một giờ. Đấy chính là thuyết tương đối.”
(Quan niệm của Einstein về thời gian).
Mỗi khi nghĩ lại, ta thấy ba tháng hè của năm năm tiểu học phải tương đương với nửa năm ở cấp trung học và rồi khi ta qua tuổi mười tám thì con số này có khi là cả năm luôn. Thế thì có nghĩa rằng thực ra ta đã chẳng còn mùa hè nào nữa rồi.
Đến tuổi trưởng thành thì người lớn ta ơi, chúng ta đã hoàn toàn mất đi cái sự đắm chìm thực sự trong hương vị của mùa hè mất rồi.
Chúng ta có thể có Xuân, Thu, Đông nhưng Hè thì hoàn toàn không, nó đã trôi tuột đi khi Thời thơ ấu mãi chỉ còn là những ký ức xa mờ.
Vậy mà vẫn có bạn muốn rút ngắn mùa hè đi nữa. Khi học hết lớp 9 là bạn đã không muốn đến trường nữa rồi, dù gia đình can ngăn kiểu gì cũng không được. Không phải vì bạn học quá kém, cúng không phải bạn là người kiểu chỉ thích chơi bời, phá gia chi tử. Chỉ đơn giản bạn nói bạn không thích đi học nữa, thế thôi.
Thực tế bạn rất hoạt bát, giao tiếp hay làm chân chạy cũng ổn lắm.
Tuy thế mình vẫn cảm thấy tiếc. Vì ngay cả khi ai đó quyết định vào đời bằng cách khác ngoài con đường theo học Đại học, có thể đi làm những ngành lao động giản đơn, hay kinh doanh buôn bán…thì mình luôn mong những đứa trẻ vẫn lựa chọn ngồi trên ghế nhà trường cho đến hết thời phổ thông,
Bởi vì có những cái nếu mình vượt qua được ở một khoảnh khắc nào đó, sự chán nản, thất vọng, trống rỗng, xuống tinh thần, mệt mỏi, hay buông xuôi…. thì mình sẽ thấy được cầu vồng hiện lên sau cơn mưa. Rất đã! Cái cảm giác đó cũng giống như một nhà văn viết một cuốn tiểu thuyết.
Trong quá trình viết có khi không biết bao nhiêu lần ông ta muốn ném hết đi những bút viết, và đã xé đi không biết bao nhiêu trang giấy vì bế tắc, vì thấy những dòng chữ của mình sao cứ tầm thường và vì đủ những điều linh tinh khác.
Và rồi một ngày đẹp trời ông ta quyết định dừng lại nghỉ ngơi, không bắt đầu óc phải chạy như con thiêu thân nữa. Ông ta dậy sớm, xỏ giày vào và lao ra đường.
Đi bộ, chạy bộ một cách nhẹ nhàng thư thái để tận hưởng khí trời mát mẻ tinh khiết của buổi mai. Thứ sẽ làm ông ta thực sự thư giãn. Đầu óc thông thoáng và năng lượng được tái tạo, một cách tốt nhất!
Haruki Murakami, nhà văn nổi tiếng Nhật Bản đã nói
“Tất cả những gì tôi làm trong khi chạy là giữ cảm giác trống rỗng trong mình, là trôi về trong những vùng ký ức tĩnh lặng của tâm hồn”
Để rồi khi ngồi vào chiếc bàn quen thuộc trong thư phòng, với một ly cà phê thơm nức hay một ly trà nóng hổi, Murakami hoặc là ai đó chẳng hạn, lại tràn trề với mạch nguồn cảm xúc của mình.
Đó cũng chính là động lực để ngòi bút lăn.
Nếu cố gắng được điều gì thì cứ nên cố gắng. Ví như khi đi học, kể cả những người siêng năng nhất thì cũng có những phút giây nào đó họ không hứng thú với lớp học hay các bài giảng hay với những người bạn…. Ai cũng đã từng vướng phải, chỉ là nhiều hay ít
Còn nếu mà cố mãi mà vẫn không thể thoát ra được cảm giác chán học, và xác định là BUÔNG việc học sớm và đi theo hướng khác thì cũng phải chuẩn bị tinh thần thật vững chãi để có thể đối mặt với những khó khăn có khi còn hơn cả khi ta tiếp tục.
Những ngày nắng như hun lửa này mình lại nhớ đến thằng em mình. Một mùa hè nào đó khi anh chàng đang học cấp ba thì anh quyết định theo mợ mình ra bãi sỉ (sỉ một loại phế thải của quá trình sản xuất gang thép không sử dụng nữa nên người ta đổ đi) làm công việc bốc vác kiếm vài đồng tiêu vặt.
Mợ mình thì lao động chân tay từ nhỏ quen rồi chứ không phải kiểu công tử trói gà không chặt như cậu ta. Trưa hè miền Bắc, trời nóng trên 40 độ, oi bức còn hơn cả tháng Tư Sài Gòn. Dưới cái nắng trần ai, hơi nóng từ cái đống kim loại dội ngược lên mặt cho cảm giác bỏng cháy kiểu như đang nhào vào lò bát quái. Đứng yên không làm gì thôi cũng đủ xỉu rồi chứ đừng có nói khuân vác hàng nặng nhọc.
Ba cái trò mang vác ấy các bạn, nhìn đơn giản vậy thôi mà không dễ ăn đâu. Các bạn đừng tưởng mấy bà mấy cô quẩy cái gánh hàng mà dễ nhá, các bạn thử đi thì biết có khi gánh hàng quay vòng vòng làm bạn liêu xiêu đấy không thì bạn cũng mỏi sái cả bả vai.
Chúng mình khoác lên cho vui chụp hình đồ thôi, cho gánh một quãng đồng là thôi đảm bảo cứ là xin kiếu. Lao động chân tay nặng nhọc cũng phải mất một thời gian mới quen đấy, đừng hòng mà đòi làm được luôn.
Mô tả thế thôi là biết rồi, đó là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất, cậu em mình sau đó không có lần nào xuất hiện ở bãi sỉ nữa, dù có thể ai đó trả giá gấp đôi :))
Vậy đấy, đôi khi sách vở hay những lời khuyên của người khác không mấy khi có tác dụng.
Chúng ta, nhất là khi còn trẻ, lại thường chỉ rút ra được một điều gì đó có giá trị từ những trải nghiệm, với những va chạm với đời.
NGHE THÀNH PHỐ THỞ
Mình thích khu vực nhà mình ở vì tiện nhiều thứ đi đâu quanh quanh cũng gần, trường học, bến tàu xe hay các tiện ích khác, dù không phải là ở quận trung tâm thành phố.
Thành phố Thủ Đức hiện tại là được sát nhập bởi ba quận phía Đông Sài Gòn: Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức. Thật ra, mới nhưng lại là cũ vì trước năm 1997 khu vực Thủ Đức đã bao gồm ba quận này rồi.
Cho nên Thủ Đức rộng lắm và được bao bọc một phần bởi con sông Sài Gòn và sông Đồng Nai cùng vô số kênh rạch luồn lách trong nó, mà chỗ nào cũng tìm thấy cái đẹp, vẻ đẹp được tạo nên nhờ dòng nước.
Một trong số đó là con đường Kha Vạn Cân (cũ)
Cái tên Kha Vạn Cân (chính xác hơn phải là Kha Vạng Cân) ấn tượng đấy chứ các bạn nhỉ. Các bạn nếu có thắc mắc ông là ai thì thử đọc bài viết trên trang “doanhnhansaigon.vn”, một tạp chí của Ủy ban Nhân dân Tp.HCM để biết thêm về cuộc đời thú vị của một trí thức nổi tiếng của Sài Gòn – Chợ Lớn, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là một doanh nhân tiêu biểu thế kỷ XX
Doanh nhân Kha Vạng Cân: Một trí thức tiêu biểu của đất nước
Kha Vạng Cân sinh ngày 16/10/1908 tại Chợ Lớn (có tài liệu ghi ông sinh ở Thủ Đức, Gia Định) trong một gia đình khá giả. Thân sinh của ông là Kha Ư Phúc – một tiểu tư sản người Việt gốc Hoa.
Từ nhỏ, Kha Vạng Cân được cha mẹ kỳ vọng rất lớn vì bộc lộ tố chất thông minh, có chí lớn, có hoài bão, sau này có thể giúp ích cho đời nên đã cho vào học tại Trường Chasseloup-Laubat (nay là Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn).
Tuy nhiên, năm 1926, khi đang học năm thứ hai của chương trình tú tài bản xứ khóa 3 của Trường Chasseloup-Laubat, do tham gia bãi khóa nhân lễ tang nhà cách mạng Phan Chu Trinh, Kha Vạng Cân bị đuổi học.
Năm 1928, Kha Vạng Cân trốn gia đình sang Pháp du học bậc đại học tại Trường Des Art et Métiers và tốt nghiệp kỹ sư cơ khí tại đây năm 1933, sau đó tiếp tục tu nghiệp tại Trung tâm Cơ khí Quốc gia D’Aix en Provence. Với tấm bằng tốt nghiệp kỹ sư cơ khí, năm 1934 Kha Vạng Cân được nhận vào làm chuyên viên kỹ thuật, kỹ sư tại hãng xe hơi Renault ở Billancourt đến năm 1938.
Năm 1936, ông được chủ hãng bổ nhiệm làm đại diện cho hãng bên cạnh Sở Hỏa xa Đông Dương. Đến năm 1939, Renault giao cho ông cùng Bộ Thuộc địa Pháp tham gia nghiên cứu hệ thống đường sắt Đông Dương và chỉ đạo lắp ráp, đào tạo công nhân sử dụng, vận hành thành thạo loại ô tô ray.
Sau khi xong nhiệm vụ ở Đông Dương, Renault cho gọi ông trở lại Pháp để đi Algeria nhưng ông quyết định ở lại Việt Nam. Biết tin, Sở Hỏa xa Đông Dương liền vận động ông làm việc cho họ, hứa giúp đỡ ông nhập quốc tịch Pháp, hưởng lương công chức Pháp nhưng Kha Vạng Cân một mực từ chối.
Năm 1940, Kha Vạng Cân làm Giám đốc hãng Luyện thép và Cơ học – một công ty chuyên về luyện kim có quy mô lớn của Pháp ở Sài Gòn.
Sau đó, một người bạn học cũ của Kha Vạng Cân là Trần Văn Vân đã mời ông hùn vốn thành lập hãng luyện thép tư nhân với tên gọi Cân et Văn ở Chợ Quán. Kha Vạng Cân giữ chức giám đốc kỹ thuật trong khi Trần Văn Vân giữ chức giám đốc kinh doanh. Quy mô và hoạt động của hãng luyện thép Cân et Văn rất lớn, người đương thời xem đây là hãng luyện thép lớn nhất của người Việt ở Đông Dương.
Trong giai đoạn 1940-1945, công việc kinh doanh của Cân et Văn rất phát đạt vì chính quyền thực dân Pháp thường đặt hàng các loại thép của hãng cho công trình xây dựng đường sắt ở ba nước Đông Dương. Danh tiếng của Kha Vạng Cân trong giới kinh doanh Việt Nam đương thời rất lớn.
Sự giàu có và thành công trong kinh doanh đã giúp ông trở thành thành viên của Hội đồng Liên bang Đông Dương, Hội đồng Quản hạt Sài Gòn – Chợ Lớn. Cũng vì thế mà Kha Vạng Cân trở thành một trong những trí thức, nhà tư sản danh tiếng của Nam Kỳ có mặt trong nhiều nhóm, hội đoàn có tính nghề nghiệp hay văn hóa, xã hội.
Ảnh hưởng và danh tiếng của Kha Vạng Cân khiến chính quyền thuộc địa tìm cách mua chuộc với ý đồ lợi dụng ông để tranh thủ sự trung thành của người bản xứ thông qua ông. Điển hình như năm 1942, Chánh Thanh tra chính trị của Pháp ở Nam Kỳ đã mời Kha Vạng Cân tham gia một loạt tổ chức quần chúng bên cạnh bộ máy cai trị của thực dân Pháp.
Tuy nhiên, Kha Vạng Cân nhất mực từ chối những lời mời ấy, thậm chí ông còn từ chối việc nhập quốc tịch Pháp và hưởng những đặc ân của một công dân Pháp ở Đông Dương.
Mặt khác, Kha Vạng Cân lại chọn tham gia vào nhóm Văn Lang. Đây là một nhóm trí thức, tư sản dân tộc tự lập, chuyên kêu gọi tinh thần chấn hưng kinh tế, văn hóa của người Việt.
Các thành viên của nhóm là một số trí thức hoặc nhà tư sản được đào tạo từ Pháp như Hồ Tá Khanh, Dương Tấn Tươi, Nguyễn Văn Nhã, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Ngọc Bích, Kha Vạng Cân, Nguyễn Văn Nghiêm (sau này là Ủy viên Ủy ban Hành chính Nam Bộ). Cái tên Văn Lang của nhóm được hình thành từ sự ra đời của Tuần báo Văn Lang (số đầu tiên phát hành ngày 29/7/1939) do các thành viên trong nhóm hùn vốn xuất bản.
Ngoài nhóm Văn Lang, doanh nhân – kỹ sư Kha Vạng Cân còn tham gia vào tổ chức Thanh niên Tiền phong cùng với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và luật sư Thái Văn Lung.
Đây là một tổ chức chính trị – xã hội hoạt động chủ yếu ở Nam Kỳ trong năm 1945 với mục đích tập hợp thanh niên Việt Nam tham gia giải phóng dân tộc, kiến thiết quốc gia sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945.
Tổng bí thư của tổ chức này là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch vốn là bạn với kỹ sư Kha Vạng Cân và luật sư Thái Văn Lung lúc họ còn du học ở Pháp, thường gặp nhau khi sinh hoạt trong Hội Hướng đạo Việt Nam.
Bộ ba Phạm Ngọc Thạch – Kha Vạng Cân – Thái Văn Lung là những gương mặt trí thức và tư sản dân tộc tiêu biểu của tổ chức Thanh niên Tiền phong đã hoạt động tích cực đến tận ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.
Trong đó, Kha Vạng Cân trực tiếp làm thủ lĩnh của Thanh niên Tiền phong Chợ Lớn. Thanh niên Tiền phong là tổ chức có vai trò to lớn trong Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Nam bộ.
Cũng trong năm 1945, Kha Vạng Cân được vua Bảo Đại mời tham gia Hội đồng Cải cách Giáo dục và ông được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng Cải cách Giáo dục Nam Kỳ do Trần Văn Ân làm chủ tịch.
Tháng 4/1945, khi chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim được thành lập, Kha Vạng Cân theo chỉ thị bí mật của Xứ ủy Nam kỳ đã đồng ý nhận lời mời của Trần Trọng Kim giữ chức Đô trưởng Sài Gòn – Chợ Lớn khi chưa tròn 37 tuổi. Một mặt, Kha Vạng Cân tuy làm việc cho chính phủ thân Nhật của Trần Trọng Kim nhưng mặt khác vẫn ngấm ngầm ủng hộ cách mạng và Xứ ủy Nam Kỳ.
Kha Vạng Cân quả là một con người tài ba đúng không các bạn ? Nhưng dòng họ của ông cũng có nhiều người tài năng lắm đấy. Cô ruột của ông là bà ngoại của nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng của nước ta, bà Thái Thị Liên.
Bà Thái Thị Liên sinh năm 1918 tại Chợ Lớn, Sài Gòn trong một gia đình tri thức và giàu có với cha là kỹ sư Thái Văn Lân, một trong những kỹ sư điện đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp tại Pháp và anh trai là luật sư Thái Văn Lung, tên ông được đặt cho một con đường giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh
Bà Thái Thị Liên có một người con trai rất rất tài năng, có bạn nào không biết ông không ? Đó chính là nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn. Ông nổi danh sau khi đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ X (tháng 10 năm 1980) ở Warszawa (Ba Lan). Đó là lần đầu tiên một nghệ sĩ dương cầm châu Á đoạt giải nhất tại cuộc thi này.
Ngày mình mới vào Sài Gòn, từ thành phố xuống Thủ Đức mình thường chọn đi đường Kha Vạn Cân theo hướng từ cầu Bình Lợi chứ không chọn đi Xa lộ Hà Nội bởi nhìn qua bản đồ giấy (những năm trước 2010 chưa có Google map) thì có vẻ như con đường này ở “phía trong” hơn, nên ít xe tải lớn (đúng là thế)
(Báo Tuổi trẻ)
Sử gia Trịnh Hoài Đức chép trong Gia Định thành thông chí: “Đường quan lộ bên tả thành Gia Định từ cửa Chấn Hanh qua cầu Hòa Mỹ, qua sông Bình Đồng mà đến trấn Biên Hòa… Đường thiên lý phía bắc, lúc mới mở mang đường đi từ phía bắc Cầu Sơn đến Bình Giang, ruộng chằm đầy bùn, đường bộ chưa mở, hành khách muốn đi Biên Hòa hoặc lên Băng Bọt đều phải đi đò dọc.
Đến năm Mậu Thìn Thế Tông năm thứ 11 (1748) có việc ở Cao Miên, Điều khiển Nguyễn Phúc Doãn mới chăng dây mà mở thẳng đường này, gặp ngòi suối thì bắc cầu, chỗ bùn lầy thì xếp xây đắp đất. Từ cửa Cấn Chỉ của thành đến bến đò Bình Đồng dài 17 dặm.
Bờ bắc về đất Biên Hòa thì đặt trạm Bình Đồng, phía bắc đi núi Chiêu Thái đến bến đò Bình Tiên, qua bến Sa Giang (Rạch Cát) do đường sứ Đồng Hạm xuống Đồng Muôn đến Mỗi Xoài, gọi là Đường Thiên lý. Khi đi qua sông lớn thì lệ đặt thuyền chở đò, miễn cho giao dịch”.
Con đường thiên lý, đường quan lộ ấy chính là đường Kha Vạng Cân hiện nay, cho đến tận năm 1960 vẫn còn là quốc lộ, con đường độc đạo nối Sài Gòn với Biên Hòa, ra các tỉnh miền Trung.
Trên con đường ấy là làng mai, làng nem Thủ Đức lừng danh suốt nhiều thập kỷ. Đi đâu xa về, chiều chiều xe sẽ đưa khách ghé chợ Thủ Đức mua nem làm quà. Mùa tết đến, người thành phố nhất định phải xuống Thủ Đức chọn một cây mai tràn nụ lắm lộc.
Đến hôm nay thì nem và cả mai Thủ Đức đã phải lùi bước trước vô số của ngon vật lạ kỳ hoa dị thảo nơi nơi đổ về TP.HCM, nhưng những chuyện xưa ở Thủ Đức vẫn còn được truyền lại. Như bản ghi chép của cụ ông Thiều Văn Phương về những ngôi làng của Tổng An Thổ, tỉnh Gia Định.
Mấy chục trang pơ-luya ố màu được viết theo phong cách biên khảo địa phương chí của người gắn bó máu thịt với vùng đất. Ông kể về làng Bình Đức có bưng cấy lúa, có gò rẫy rất hợp với dưa leo, dưa bở nên sinh ra cái tên chợ Gò Dưa; làng Bình Phú, Bình Phước trồng mía nên lập nhiều lò đường; Bình Chánh trồng mai vàng bán tết, làng Bình Triệu có ga xe lửa, còn làng Bình Đường có nghề làm sáo trúc… Chín làng hồi ấy có 10 ngôi đình thờ Thần mà qua bao biến động lịch sử, những thế hệ già làng vẫn cố công gìn giữ, tôn tạo.
Dòng cuối tha thiết như nước mắt: “Tôi tường trình viết ra đây để nhắc nhở: những bậc tiền hiền, hậu hiền đã khai hoang phá thạch, đuổi thú dữ, lập nên thôn xóm, khoanh thành ruộng đất, đặng cho dân tình đến lập nghiệp, an cư. Dân chúng nghĩ tới công sức các bậc tiền nhân, lập ra ngôi đình để thờ phụng. Mỗi năm đến ngày vía lễ cầu an, đồng bào đến chiêm bái, đốt nén hương trầm ghi nhớ: cây có cội nước có nguồn, từ ngọn rau tấc đất mà ta nên cơ nên nghiệp. Nhắc gốc tích để mà những người di cư, nhập cư, định cư, lưu cư, canh cư… biết thương làng mến xã”.
Thời đó chưa có đường lớn Phạm Văn Đồng nên con đường nhỏ Kha Vạn Cân cũng thường hay bị kẹt xe. Vì nó khá nhỏ, với một bên là đường tàu Bắc Nam và một bên là những khu dân cư lâu đời với rất nhiều những con kênh trải ra đến tận bờ sông Sài Gòn.
Chẳng thế mà ở đây đã từng tồn tại một công viên nước đầu tiên và lớn nhất của Sài Gòn. Đáng tiếc nó đã dừng hoạt động từ lâu, giờ đây chỉ còn là một mặt bằng bỏ hoang, cỏ cây um tùm…
Đi được hơn một nửa đường Kha Vạn Cân thì bạn sẽ gặp một vòng xoay. Cái vòng xoay này là nơi án ngữ một công trình hồn cốt nhất của vùng đất cổ:
Chợ Thủ Đức
(Báo Thanh Niên)
Trong xứ Gia Định xưa , địa danh Thủ Đức gắn liền với ngôi chợ nổi tiếng và người sáng lập là tiền hiền Tạ Dương Minh, có tên hiệu Thủ Đức qua tác phẩm Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong vào năm 1909.
“Thủ Đức chợ nhóm rất đông
Hai bên phố xá chính trung nhà làng
….Thuở xưa ông Tạ Dương Minh
Lập chợ Thủ Đức tại Linh Chiểu này”
Chợ Thủ Đức được sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép với tên gọi là chợ Linh Chiểu Đông, ở thôn Linh Chiểu Đông, bên cạnh huyện lỵ Nghĩa An, tục gọi là chợ Thủ Đức, phố xá thành hàng, thành dãy, là một chợ lớn trong huyện.
Theo tư liệu nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển, chợ Thủ Đức ngày nay vốn là một ngôi chợ nhỏ được xây dựng từ thế kỷ 17. Trong suốt thời gian gần 400 năm qua, chợ được mở rộng và tu bổ nhiều lần. Chợ Thủ Đức gắn liền với ông Tạ Dương Minh (có tên hiệu là Thủ Đức), là người thiết kế và tổ chức xây dựng chợ.
Khi mới xây dựng, toàn bộ ngôi chợ đều bằng gỗ với diện tích hơn 200 m2. Sau đó chợ được tu bổ và mở rộng dần. Đầu tiên, vào năm 1882, chợ bị cháy và được xây dựng lại bằng gỗ, lợp ngói. Năm 1906, ngôi chợ được mở rộng hơn và xây lại theo kết cấu nhà lồng, vật liệu bằng sắt thép, tường bằng gạch và mái ngói.
Khoảng năm 1940, một nhà lồng được xây dựng thêm ở đầu chợ với kết cấu tương tự công trình đã có trước đó. Từ khi hình thành đến nay, chợ Thủ Đức là nơi buôn bán của các hộ dân trong khu vực.
Hiện nay chợ Thủ Đức gồm bốn khối nhà lồng nằm trên một trục hướng đông bắc với bề ngang khoảng 20 m, chiều dài khoảng 300 m. Giữa các khối nhà lồng này là các nhà tạm được xây dựng sau này để che nắng che mưa cho các sạp hàng.
Nổi bật nhất trong kiến trúc ngôi chợ là hệ thống tường ở hai đầu. Mặt hướng đông bắc bao gồm một cửa chính và hai cửa hai bên, tất cả đều có hình chữ nhật cửa kéo với các đường chỉ trang trí hình vòm. Toàn bộ mặt tiền có hình tháp chóp bằng, phía trên có gắn hình hoa sen, trên cùng là tên “Chợ Thủ Đức”. Trên tường hướng tây – nam trang trí khá đơn giản với ba cửa hình chữ nhật và một lỗ thông gió ở chính giữa.
Lối đi chính được mở ở chính giữa chợ, các sạp hàng được bố trí hai bên. Ngoài ra còn có hai dãy sạp hàng hướng ra đường chạy vòng quanh chợ.
Mình thấy cái kiểu thiết kể chợ chạy theo chiều dọc nằm giữa hai con đường hay ghê, cho cảm giác ngôi chợ không bí bách mà thoáng đáng và chợ chính là linh hồn, là trung tâm của cả một khu.
Trước đây lâu lâu mình cũng có vô chợ Thủ Đức nhưng đã từ lâu lắm rồi không trở lại. Nghe nói trước cơn bão bán hàng online thì việc bán hàng truyền thống hiện tại ở chợ cũng ang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những hàng hóa kiểu như quần áo và mỹ phẩm.
Khu vực này còn có một số tòa nhà rất xưa như Bưu điện Thủ Đức hay những võ đường của người Hoa.
Và một cơ sở sản xuất nữa mà khi nói tên sản phẩm của nó là nhiều bạn phải à lên một tiếng ngay, nhất là những bạn thuộc thế hệ của mình, vì nó quen thuộc quá mà.
Đó là nhà máy sản xuất mỳ Miliket.
Mình biết đến mì ăn liền thương hiệu Miliket năm mình 10 tuổi. Đó là những ngày áp Tết năm 1992, dưới con dốc nhà mình ở khu tập thể có một quán hàng được mở ra (kiểu hàng tạp hóa).
Hàng hóa không có gì nhiều chỉ có mấy quả trứng, bao diêm, gói kẹo…trong chỉ đáng chú ý là những gói giấy vuông vuông bên ngoài in hình hai con tôm màu đỏ đậm. Có lẽ đó cũng là nguồn gốc để người miền Bắc gọi mỳ ăn liền là mì tôm. Sau này có đủ các loại mỳ ăn liền khác ngoài Miliket nhưng tất cả đều được gọi bằng “mỳ tôm” (trong khi miền Nam gọi là mỳ gói).
Mỳ Miliket một thời là thương hiệu thống lĩnh thị trường mỳ ăn liền nhưng về sau thì thị phần đã giảm xuống. Nhưng những ký ức đầu tiên về loại mỳ này với mình vẫn còn mãi.
Thứ đồ ăn gì mà chỉ cần thả nước sôi vào là có thể dùng ngày được liền, không cần nấu. Sợi lại dai và cái vị và hương thơm của nó mới hấp dẫn làm sao. Thật không có một loại thực phẩm nào giản tiện và ngon bằng!
Mình thì hay nấu mì gói kèm rất nhiều loại rau và cũng chỉ thi thoảng mới dám ăn thôi vì béo quá rồi :)).
Cho đến tận bây giờ, loại mỳ ăn liền mình lựa chọn để mua nhiều nhất vẫn là Miliket, một thương hiệu Việt có tuổi đời xấp xỉ tuổi của mình!
Còn cái gì ở khu vực này nữa không các bạn ? Đúng rồi là những con dốc đó. Hay ghê, đường Kha Vạn Cân từ đoạn chợ Thủ Đức hất lên về hướng Linh Trung có địa hình rất cao, giống như đây đã từng là những quả đồi thấp vậy.
Thi thoảng trên đỉnh dốc vẫn còn một số ngôi nhà còn sót lại với kiểu kiến trúc cổ xưa với những hàng rào cây được cắt tỉa gọn gàng. Cho nên mình nghĩ vùng này trước đây nên thơ phải biết, vì vừa có sông, có rạch (suối) lại vừa có đồi, có rừng.
Tự dưng giữa đất Thủ (Đức) lại nghĩ đến hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong “Thăng Long thành hoài cổ”
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Ah, mà giờ mình mới nhớ ra trăm năm về trước xe ngựa cũng rất phổ biến ở vùng đất phía Đông thành Gia Định này!
Thư Jack,
Nhận được cuộc gọi khẩn của thằng Skeleton, không chần chừ tôi trèo ngay lên con ngựa sắt phóng sang nhà nó. Nhà nó với nhà tôi thật ra gần xịt à, chắc cũng chỉ khoảng 5-700m thôi, tôi chạy bộ ào qua tí chứ mấy. Nhưng hôm nay dở chứng thế nào tôi cũng bày đặt lôi xe ra đi.
Thôi thì cô bạn Scarlett cổ mang tiếng “điên” buổi sáng rồi thì buổi tối đến lượt tôi. Thế cho nó cân bằng, nói gì nói cuộc sống nhiều khi hơn nhau ở chỗ giữ được sự cân bằng, kiểu như có ngày thì phải có đêm, có thức thì phải có ngủ, có làm thì phải có nghỉ ngơi, có ăn chơi thì cũng phải có tu tập :))
Và, ngại quá lại cứ phải nói thiệt là có Jack thì phải có…Rose :)) (dù chưa biết bao giờ nàng mới xuất hiện, mới đây tôi đã thuê chuyên gia tư vấn thuộc tập đoàn Big 4inLớp thì vị này cho rằng tôi nên đổi tên cái tiệm cắt tóc của tôi đi. Ai lại để “Đợi chờ là hạnh phúc” mãi thế sao được. Đợi là đợi đến khi nào, nhẽ đến lúc “cụ xứ” xuống núi, thế thì bạc hết tóc rồi (răng tôi chắc lắm còn lâu mới rụng được :)).
Đấy cứ mải nghĩ linh ta linh tinh cuối cùng đến cái đường đẹp đẽ vừa rộng vừa thoáng nhà thằng Skeleton tôi lại quên mất không quẹo vô mà đi thẳng thế nào ra đến cái siêu thị to đùng đoàng. Cái siêu thị nằm ngay một góc ngã tư sầm uất và đông đúc nhất khu vực Thủ Đức.
Không chỉ là một nơi mua sắm quen thuộc của người dân quanh đây địa điểm này còn hoạt động như một trạm xe trung chuyển. Cứ mỗi buổi sáng sớm, các xe buýt công ty trên mạn Sài Gòn sẽ băng băng trên đường Võ Nguyên Giáp, chính là xa lộ Hà Nội xưa kia, đến điểm cuối cùng của nó là ngã tư này thì dừng lại.
Các cô chú anh chị đang đứng chờ sẽ lên xe và từ đó tỏa đi khắp các nhà máy trong các khu công nghiệp, khu chế xuất của cả hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai và cả Sài Gòn. Có thể nói tuy Thủ Đức chỉ có vị trí rìa ngoài của thành phố nhưng nếu xét đến vị trí có tính liên kết vùng thì đây lại là trung tâm. Từ đây lên Sài Gòn, sang Binh Dương hay xuống Biên Hòa khoảng cách cũng gần gần nhau, rất thuận lợi.
Thế rồi đã đâm lao thì phải theo lao, tôi quyết định làm một cuốc xe gần đổi gió. Vượt qua ngã tư tôi sang phía bên con đường Võ Văn Ngân, một trong những con đường cổ xưa nhất vùng này.
Lượn vào khu Làng đại học, ôi chao mà nó mát. Khu vực này được quy hoạch phải nói là bài bản bậc nhất của toàn vùng với những con đường cắt ngang dọc theo kiểu bàn cờ, đường nào cũng phủ rợp bóng cây xanh, những cây xanh cổ thụ ít cũng phải có tuổi đời năm chục năm có lẻ. Thấp thoáng lại hiện ra những tòa biệt thự cổ xinh xinh ẩn mình dưới những dàn hoa sặc sỡ.
Làm tôi lại cứ nghĩ mình đang lang thang chốn nào đó trên thành phố ngàn hoa Đà Lạt cơ!
Lòng vòng mãi rồi tôi cũng lại đâm ra con dốc ngay bên chân một nhà thờ to lớn, uy nghiêm. Hôm nay không phải cuối tuần nên cổng nhà thờ tương đối vắng. Nghĩ thế nào tôi lại tấp vào, biết đâu có bạn gái nào đạp xe đi học về có bị tuột xích thì tôi sẽ xung phong làm anh hùng cứu mỹ nhân :)))
Ah, cũng phải nói qua cho các bạn là không phải đợi đến lúc câu chuyện tình yêu bắt được nhờ sửa xe đạp bị tuột xích được kể lai (đại loại là thế này: ở thập kỷ 90 của thế kỷ trước vào một chiều Đông ảm đạm có một tiểu thư đạp xe đi học về khi đang lên dốc thì xe bị tuột xích, thế là ngay lập tức có một anh chàng học trò nghèo từ đâu hiện ra và ra tay xử lý cái xích liền. Thế là từ đó Người đi, một nửa hồn tôi mất, Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ),
mà tôi mới phải đi học khóa học về cách sửa xe đâu.
Mà từ lâu ở nhà ba tôi đã nói đàn ông mà có nghề trong tay thì không chết đói được, khối việc để mà làm ra tiền, nên không thiệt gì khi biết những thứ kiểu như: Sửa lắp bóng đèn, sửa xe, sửa đường ống nước, sửa máy tính, vô tuyến (đơn giản)…. Chỉ có sửa com pa là tôi chưa học :)), thôi thế là cũng được rồi 🙂
Quay trở lại thời điểm hiện tại, tôi cứ đợi mãi mà chẳng thấy nàng thơ nào hư xe cả :)), mà cuối cùng lại lù lù hiện ra cái hình bóng quen thuộc của thằng Leo.
Trời, nó làm gì ở đây vào giờ này thế, mà lại ăn mặc như đi dự tiệc cưới thế kia.
Chả phải à, quần âu đen, áo tuxedo nơ đen (tôi thật, nóng chảy mỡ ra chả hiểu thằng chả nghĩ gì :)) , đã thế trên tay lại còn lăm lăm quả kính lúp dầy cộp. Trông tri thức chết đi được, chả hợp :))
Cả hai chúng tôi gần như đồng thanh cùng lúc:
-Ơ, mày. mày đứng đây làm gì?
Nó trả lời tôi trước:
-Tao đang có dự án cá nhân. Mày có thấy cái gì đây không ? Đây là cái kính lúp thần kỳ, thứ có thể phát hiện ra được những mẩu rác dù là nhỏ nhất. Tao nghĩ nát nước ra rồi Jack ạ, thằng William thì có Hội thơ, Skeleton thì có Hội thư viện nên tao cũng phải kiếm cái chức danh nào đó chứ. Thế là cuối cùng tao cũng bật ra được một ý tưởng mới: Hội Đường phố Xanh – Sạch – Đẹp. Mày thấy thế nào hay quá còn gì nữa?
Tôi kinh ngạc. Cứ tưởng nó phải thuyết trình về dự án chắp vá Trái tim triền miên bị héo úa, tật bệnh của nó và lũ bạn nó ai dè bữa nay thằng nhỏ vẽ vời ra thế này:
-Ơ tao quá phục mày đấy Leo. Đúng là học theo “cụ xứ” có tu có khác :)). Thế, thế thành viên cái Hội của mày có những ai rồi ?
-Thì, thì, tao là …chủ tịch. 1 trong số mấy thằng chúng mày mày hoặc thằng William, hoặc thằng Monster, hoặc thằng Charlie, hoặc thằng Skeleton, hoặc thằng Mountain làm …Phó. Còn thư ký tao không cần
-Thế à? Hay nhỉ Leo, có 7 cái thằng bọ mà bày ra đến mấy cái hội rồi, mai mốt in cạc vi sít cũng đến mệt đấy:
Ông Lê Ô Tru Đô
Chủ tịch Hội Đường phố Xanh Sạch Đẹp
Thành viên Hội thơ “Yêu THƠ từ cái nhìn đầu tiên”
Thành viên Hội Thư viện “Nơi tình yêu SÁCH bắt đầu”
Thành viên Hội….
Thành viên Hội….
Chưa để tôi nói hết câu thằng bạn tôi hét toáng lên:
-Thôi, được rồi, mày bôi bác tao vừa phải thôi. Giời ơi, còn đứng đấy nữa mau nhanh lên không thằng Skeleton nó gào sập trời giờ.
Sực nhớ ra, tôi vội lên xe phi ngay. Hai chiếc xe lao vun vút ngược chiều gió, khuất dần vào đám đông
Hoàng hôn tắt dần. Quả cầu lửa đỏ rực chìm khuất sau đường chân trời.
Đèn đường vừa được bật,
chỉ có mưa là không biết đến bao giờ ?