Nghe thành phố thở (7)

by Rose & Cactus

Có một đặc điểm chung ở những con phố cổ ở cả hai thành phố lớn nhất nước ta là những hàng cây cổ thụ cao lớn, xanh mát. Gần như không có một con đường xưa nào lại thiếu vắng cây xanh. Nhưng mình cũng phát hiện ra sự khác nhau của những loại cây được trồng ở Hà Nội và Tp.HCM nên chỉ cần nhìn ảnh  là mình có thể đoán được bức ảnh đó được chụp ở đâu.

Nếu như Hà Nội chuộng xà cừ, sấu thì Tp.HCM là những cây dầu, cây me.

Xà cừ có vẻ ngoài xù xì, thô ráp, khúc khuỷu, tán lá rộng. Trong khi cây dầu thon gọn, tròn trịa, thẳng và  cao vút.

Sấu lá dày, xanh đậm. Me lá mỏng manh, xanh non tươi mới.

Vỏ cây xà cừ hay lắm, nó có công dụng y học luôn đấy, đó là khả năng chữa trị bệnh ghẻ bằng cách đun nước tắm

Trong khi hoa cây dầu lại khá là nên thơ. Tháng 4, ôi đúng thời điểm này luôn các bạn là từng cụm hoa dầu màu vàng nâu lại lác đác rụng rơi trong gió, thành từng thảm hoa thưa trên nhiều con đường Sài Gòn, đẹp lắm ý nên người ta mới gọi là “chong chóng hoa dầu”.

Sấu và Me thì có cả hai, vừa thực tế lại vừa  lãng mạn.

Mẹ Đốp xứ Bắc cho rằng trưa hè nóng thế này mà có được bát canh rau muống luộc dầm sấu thì cứ là nhất; trong khi Bác Ba Phi Xì Goòng thì kêu không gì sướng hơn cái vị chua thanh tao của trái me.

Chả biết họ tranh cãi nhau thế nào mà cuối cùng đôi ta “về chung một nhà” luôn :)), yêu nhau cứ là phải biết, con cái sòn sòn năm một, đến khi đủ một đội bóng thì họ mới quyết định dừng. Tóm lại là, hạnh phúc viên mãn đến đầu bạc răng long :)) (một bài học cho những đôi muốn yêu nhau là cứ phải thường xuyên “cãi nhau” :))

Bọn trẻ thế hệ F1, F2 …Fn của nhà Me Sấu bây giờ hiện đại, chúng kêu Sấu hay Me thì cũng đều rất tuyệt “Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười” :))

Này nhé, có thực mới vực được đạo, các món ăn bá cháy

của Sấu nè: Vịt om sấu; Sấu ngâm đường; Bún sườn sấu; Chân giò om sấu..;

 của Me nè: Cá thu sốt me, Ốc hương xào me, Càng nghệ xào me, canh sườn me, đá me dầm đường…

Ôi thôi không dám liệt kê nữa đâu kẻo cái hệ tiêu hóa nó lại biểu tình ầm ầm thì chiến dịch giảm cân, của những người dễ nuôi, chả bao giờ thực hiện được :))

Hoa dầu bên nhà thờ Đức Bà

Uầy, còn lãng “nhách” kiểu ther thẩn, thẩn ther :)), có luôn cho bạn đây:

Chót trên cành cao vót
Mấy quả sấu con con
Như mấy chiếc khuy lục
Trên áo trời xanh non.

 

Trời rộng lớn muôn trùng
Đóng khung vào cửa sổ
Làm mấy quả sấu tơ
Càng nhỏ xinh hơn nữa.

(Quả sấu non trên cao – Xuân Diệu)

Con đường có lá me bay
Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về
Con đường đưa bước chân đi
Êm êm đá lát lòng nghe bồi hồi

(Con đường có lá me bay – Diệp Minh Tuyền)

Chúng ta thử đọc thêm một bài đậm chất ngôn tình nhé

Mùa sấu đã đi qua

 Lê Giang

Hà Nội mùa này sấu chín chưa em;
Hàng me Sài Gòn đang vào mùa thay lá
Thoang thoảng vị chua khiến lòng anh nhớ quá
Nhớ mùa sấu rụng phố Tràng Thi.

Nhớ dáng em ngồi, nhớ bước em đi
Nhớ tiếng em cười, hờn ghen bóng gió
Yêu em, yêu em, vì em là ngọn lửa
Hơ ấm lòng anh khi tất cả đã xa vời.

Tuổi đang yêu, chua chát cũng ngọt bùi
Trái sấu chia đôi, tay – và – tay – chấm – muối
Chỉ có vậy mà lòng mình bối rối
Để bây giờ thèm sấu, nhớ tay ai?

Anh muốn tức thì hoá cánh chim bay
Ra nhặt sấu giữa phố đông Hà Nội
Cho hai đứa lại xoè tay chấm muối
Có sao đâu dù sấu đã trái mùa!…

Hà Nội vào thu vắng những cơn mưa
Em hát với Sài Gòn, mưa lâm thâm mái phố
Thấm vào anh từng hạt thương hạt nhớ
Hạt sấu nào chín rụng giữa lòng tay!

Còn nếu không muốn ther nữa, chán rồi :)), thì đây mình lại viết truyện cho các bạn đọc, tiếp theo câu chuyện của Phong và Diệp trên Những con đường có lá me bay,

Thành phố tình yêu và nỗi nhớ

THÀNH PHỐ TÌNH YÊU VÀ NỖI NHỚ

1.

Cùng ba mẹ rời khỏi bệnh viện cho buổi xét nghiệm và tái khám định kỳ mà Diệp cảm thấy vui hơn bao giờ hết. Sau hơn một năm điều trị tích cực và tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, khối u của cô đã hoàn toàn được đẩy lùi và sức khỏe dần hồi phục về trạng thái tốt như chưa hề có điều gì xảy ra.

Diệp mới kết thúc kỳ thi cuối học kỳ II vào ngày hôm qua và dù chưa biết kết quả thì cô cũng cảm thấy khá hài lòng với bài làm của mình. Những biến cố bệnh tật gần đây không chỉ giúp cho Diệp học được cách sống mạnh mẽ, kiên cường mà còn truyền cho  cô gái trẻ sự lạc quan và biết hài lòng với những điều mình đang có.

-Con sẽ ghi danh vào ngành Thiết kế Mỹ thuật số ba ạ!

Diệp đã nói với ba cô như vậy về  ngành học tương lai của mình ở bậc Đại học, ngay trước buổi thi Khảo sát đánh giá năng lực. Chính cô thoạt đầu cũng hơi ngạc nhiên và bất ngờ với quyết định của mình bởi chưa bao giờ cô nghĩ  sẽ theo đuổi một cái gì đó liên quan đến việc sử dụng kỹ năng công nghệ thông tin.

Diệp có thể đã từng mơ ước khi lớn lên cô sẽ là một  biên tập viên, một phiên dịch hoặc là một nhà giáo ngôn ngữ như mẹ cô hay thậm chí là một người viết chuyên nghiệp nhưng làm một công việc sáng tạo như cái Ngành học cô chọn thì chắc chắn là chưa.

Bởi tự bản thân cô nhận thấy mình vẽ chỉ ở mức Được và khả năng hiểu những dòng lệnh phức tạp của môn Tin lại còn tệ hơn nữa, Trung bình Khá đã là một sự ưu ái lắm rồi.

-Con đã suy nghĩ kỹ chưa ? Tại sao con lại muốn theo đuổi chuyên ngành này ?

Ba hỏi lại Diệp bằng một thái độ và giọng nói trìu mến. Với Diệp, ba không chỉ là người cha mà còn là người thầy, người bạn lớn, một người cho cô cảm giác vô cùng thoải mái khi trò chuyện mà không có sự khác biệt về thế hệ.

-Gần đây không hiểu sao con lại có niềm đam mê với việc thiết kế hình ảnh trên máy tính ba à. Con biết đó không phải là thứ tài năng nhất của mình nhưng thử sức ở một lĩnh vực mới mẻ chẳng phải cũng là một điều hay sao, nhất là khi ta còn đang trẻ?

-Ồ, vậy thì ba cũng cho đó là một điều hay, là sự dấn thân của con ấy. Chỉ cần con thấy vui thì ba luôn hết lòng ủng hộ.

– Con cám ơn ba

-À, có một điều con chưa nhận ra thôi. Là trí tưởng tượng bao la của con cũng sẽ giúp ích nhiều cho ngành học mà con lựa chọn đấy!

Đó là lý do tại sao có bất cứ vấn đề gì Diệp cũng có thể hỏi và xin ba lời khuyên. Ba ít khi xoắn xéo vặn vẹo và nêu ra những thứ khiến cô chùn bước mà thường là hay nhấn vào những điểm mạnh để cho cô thêm phần tự tin với quyết định của mình.

Trở lại cái buổi chiều bị dính nước mưa khi đi học về ấy . Đêm đó Diệp đã lên cơn sốt cao. Cô chưa từng trải qua cơn sốt nào đáng sợ như vậy. À có thể là lúc nhỏ thì có. Nhưng trẻ nhỏ ai mà không nóng sốt, thậm chí là thường xuyên?

Diệp không nhớ ngày nhỏ cô đã trải qua những cơn sốt thế nào, chỉ nghe mẹ kể rằng mẹ đã sợ hãi phát khóc mà quên hết cần phải làm gì khi đối diện với cơn sốt đầu-tiên, lên đến hơn 40 độ, của cô con gái đầu lòng.

Vì lúc đó kinh nghiệm nuôi con chưa có, trong khi cái nóng được cảm nhận bằng đôi bàn tay và lồng ngực của người mẹ khi ôm con vào lòng như ngọn lửa đốt.

Ba Diệp kể rằng chứng kiến cảnh tượng vậy ông cũng hoảng. Vì cũng như mẹ cô ông chưa bao giờ được làm cha để có thể đoán biết được tình hình. Tuy vậy, đàn ông có cái hay là họ thường lấy lại bình tĩnh tốt hơn phụ nữ ở vào những thời điểm bấn loạn.

Ba bồng Diệp từ tay của người vợ trẻ và đặt cô con gái nhỏ xuống giường, tháo hết tất tay tất chân, bỏ hết chăn mền cho đứa trẻ được thông thoáng và chườm mát cho con.

Dần dần thuốc hạ sốt cũng có tác dụng và rồi cơn sốt cao có thể gây co giật cũng tạm thời qua đi. Sáng hôm sau đôi vợ chồng trẻ lập tức đưa con đến viện để khám. Tất nhiên phần lớn những cơn sốt ở trẻ nhỏ là không có gì đáng lo ngại.

Cơ thể sẽ có khả năng tự điều chỉnh để đưa về trạng thái bình thường. Cho nên với mỗi gia đình, từ đứa con thứ hai trở đi thì bố mẹ chúng cũng có sự tự tin hơn trong việc chăm sóc và nuôi nấng.

Vậy những đứa trẻ thì sao? Có sự khác biệt nào giữa con đầu và con thứ không? Có lẽ là có nhưng bàn luận lúc này e lại lan man ra nhiều thứ, nên thôi, hẹn các bạn vào dịp khác.

Vòm hoa dầu trên cao

Trái với lúc nhỏ, cơn sốt năm cô gái mười bảy tuổi khác quá! Hạ sốt cách nào cũng không làm nhiệt độ giảm đi. Diệp thấy người mình như bùng nổ và đầu thì đau như hàng ngàn quả búa tạ giáng vào. Cô như mê man đi.

Cũng có lúc trong cơn chập chờn như thế thì hình ảnh cái mái hiên tí tách mưa rơi nơi cô và cậu bạn Phong tình cờ gặp lại lại chạy qua trong tâm trí Diệp. Họ có hẹn gặp nhau ở nơi đó vào hôm sau không nhỉ? Cô chỉ nhớ mang máng là có.

Khi tỉnh dậy thì Diệp đã thấy mình ở trong bệnh viện rồi. Sau vài ngày được các bác sĩ theo dõi thì cô được làm các xét nghiệm chẩn đoán. Cơn sốt của cô  có thể  đơn giản là  do nhiễm lạnh từ nước mưa, chúng ta vẫn hay bị vi rút tấn công như thế khi bất thình lình thời tiết thay đổi.

Tuy vậy sự tình cờ mắc bệnh, tưởng là xui xẻo này, lại mang đến cho cô điều may mắn. Bởi nhờ đó mà cô được phát hiện ra căn bệnh tiềm ẩn khác trong người. Các bạn đã từng nghe một câu chuyện nào theo kiểu tương tự như thế?

Rằng một hôm, một cô gái thấy trong người không khỏe bèn nhờ một người bạn thân chở đi khám bệnh. Đến nơi vì bệnh viện khá vắng vẻ và không mấy khi có dịp đến viện mà thảnh thơi như thế nên người bạn-Khỏe tiện thể  khám luôn, theo kiểu dạng tổng quát.

Ai dè, cuối cùng người bạn-Yếu thì chỉ bị ba cái bệnh cảm cúm thông thường, còn cái người chỉ đi theo kia lại phát hiện ra mình đã mắc một căn bệnh rất hiểm nghèo, có thể thời gian sống chỉ còn tính được bằng ngày.

Đó cũng như là một sự trêu ngươi của số phận!

Với Diệp chính nhờ cơn sốt đó mà các bác sĩ đã phát hiện cô có một khối u bất thường ở tuyến giáp. Quan trọng nhất là khối u chỉ mới ở giai đoạn đầu, nên cũng không quá đáng ngại. Lúc này tinh thần của bệnh nhân là điều đáng lưu tâm nhất, những người giữ được sự lạc quan thì sẽ càng tăng cơ hội khỏi bệnh cho bản thân họ

Diệp vẫn nhớ mãi là bác sĩ đã khẳng định chắc nịch với cô như thế. Ông bảo ông nói thực lòng chứ  không phải là nói chỉ để gieo cho bệnh nhân niềm hy vọng, dù là vẫn nên phải làm thế, ngay cả đối với những căn bệnh ác tính nhất.

Là bởi vì, khối u đang phát triển trong cơ thể một cô gái trẻ đã được phát hiện sớm nên có khả năng ngăn chặn kịp thời  và mang lại hiệu quả chữa trị cao.

Có lẽ với Diệp buổi gặp chiều mưa hôm ấy đúng là định mệnh! Nó đã đem lại cho cô cơ hội sống, một tình bạn đặc biệt, và một người bạn đặc biệt!

Với sức trẻ, sự vui vẻ và lòng thương yêu của gia đình, Diệp đã có một cuộc phẫu thuật thành công. Sức khỏe cô hồi phục nhanh đến mức mà Diệp vẫn có thể tiếp tục theo đuổi việc học ở trường mà không phải học lại như ban đầu gia đình cô dự định.

Mẹ Diệp nói học chậm một năm so với các bạn cũng không sao cả, với mẹ sức khỏe là quan trọng nhất. Diệp thấy điều đó cũng không sai, nhưng cô cho rằng việc đến trường, được gặp gỡ nhiều người sẽ cho cô niềm vui và vì vậy tiếp cho cô thêm sức mạnh để vượt qua nỗi sợ hãi.

Sự cô đơn và tách biệt có thể là chất xúc tác rất tốt cho các công việc sáng tạo. Tuy thế, chúng lại có thể là kẻ thù cho những vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Cuối cùng, sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ và nhờ sự giúp sức của nhà trường, gia đình Diệp cũng đi đến thống nhất việc cô sẽ vẫn tham gia các buổi học ở trường, song song với quá trình điều trị. Tất nhiên, nghỉ học gián đoạn là không thể tránh khỏi.  

Đi học lúc này, với một đứa trẻ, giống như là một liệu pháp tinh thần. Cái chúng nhận được có giá trị hơn nhiều, so với mục đích ban đầu của giáo dục là truyền đạt và tiếp nhận tri thức.

2.

Để thuận lợi cho việc điều trị và đi học của Diệp, gia đình cô đã lấy lại căn nhà họ đang cho thuê để ở. Căn nhà, mang kiểu kiến trúc cổ,  nằm trong một con hẻm rộng rãi và yên tĩnh ở một quận trung tâm của thành phố. Mặc dù có tuổi đời gần bảy mươi năm, chất lượng của căn nhà màu trắng xinh xắn vẫn còn khá tốt. Tuy rằng bên trong đã có phần chật chội

Trước đây, đây là nơi sinh sống của ông bà ngoại Diệp. Sau khi cả hai ông bà qua đời thì mẹ Diệp được thừa kế lại vì bà là người con gái duy nhất của họ.

Khối nhà hai tầng với tầng một, vốn được sử dụng như một phòng học, mà ông ngoại của Diệp đã dạy cho bao thế hệ học sinh ở đây, đã được cho một thầy giáo khác thuê để làm lớp học.

Còn tầng hai, hai phòng của ông bà Diệp và mẹ cô vẫn được giữ lại nguyên y như thời ông bà còn sống, với tất cả những vật dụng đầy ắp những kỷ niệm. Mẹ Diệp luôn trân quý và gìn giữ chúng  cẩn thận như là một cách để bảo tồn lại những ký ức của một thời đã qua. Cũng là để bà cảm thấy những người thân yêu của mình, dù là không còn nữa nhưng họ vẫn như đang ở bên cạnh mình.

Ông bà ngoại Diệp có thể được coi như những người Sài Gòn gốc. Tổ tiên của họ là một nhánh quan lại triều đình Huế đã di cư vào Nam từ hồi lẩu hồi lâu ngày chúa Nguyễn mở rộng bờ cõi về phương Nam.  Chính vì thế, tính cách, lối sinh hoạt và nếp nhà của họ cũng mang nét Huế đậm đặc. Thâm trầm, kín đáo, quy củ. Một đời sống nhẹ nhàng và phẳng lặng.

Ông ngoại Diệp là giáo viên Toán trung học trong khi bà cô giảng dạy ở bậc tiểu học. Hai ông bà muộn con mãi đến gần bốn mươi sinh được mẹ Diệp, nên có thể coi bà như con nhà lá ngọc cành vàng.

Từ nhỏ bà đã được gia đình thương yêu chiều chuộng và được cho học đủ thứ, từ đàn Piano, tiếng Pháp đến cắm hoa hay may vá thêu thùa. Mẹ Diệp sau này cũng nối gót truyền thống gia đình, trở thành giáo viên giảng dạy tiếng Pháp cho một trường Đại học.

Cha Diệp thì khác. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo khó và neo người tại một làng chài ven biển tỉnh Bình Thuận. Mồ côi cha năm 6 tuổi và năm lên 10 thì mẹ đi bước nữa.

Thiếu thốn tình cảm của cả cha mẹ nên ông luôn cảm thấy cô đơn ngay chính trong căn nhà của mình. Năm 15 tuổi, sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, ông bỏ nhà vào Sài Gòn và tá túc tại nhà của dì dượng. Căn nhà nhỏ xíu nằm trong một con hẻm cũng nhỏ xíu đối điện hẻm nhà ông bà ngoại Diệp trên cùng một con đường sầm uất.

Con đường này nếu không được gọi là Hoa hậu thì nhất khoát cũng phải ở trong Top 3 hay Top 5 và quá lắm là Top 10 những tuyến phố đẹp nhất của Sài Gòn. Diệp cho rằng như vậy, vì từ đầu tới cuối đường nó được điểm tô bằng hai hàng me với những tán lá xanh rì đan cài, lèn chặt vào nhau khiến những tia nắng dù là chói chang nhất cũng chỉ đủ sức rơi rớt những vệt lốm đốm trên mặt đường.

Khi Diệp còn nhỏ xíu, những buổi chiều khi tan học, bà ngoại thường dẫn cô đi men theo vỉa hè từ trường về nhà. Dưới những tán me, mỗi khi có ngọn gió thổi nhẹ là những chiếc lá lại rơi lả tả. Những chiếc lá me nhỏ bé đã già, chuyển sang gam màu vàng nhạt, bám cả vào đầu vào tóc của hai bà cháu.

Cũng có khi trên đoạn đường thơ ấu ấy, Diệp và bà cùng dừng lại để xem một chú, cũng phải lớn tuổi hơn ba mẹ Diệp, hái me. Chú nhìn rất gày gò, khắc khổ với nước da sạm đen và chỉ với một cây sào dài là chú đã có thể bứt được rất nhiều trái me lúc lỉu trên cành.

Lần nào nếu gặp, bà ngoại cũng mua me của chú. Những quả me căng mọng, tươi ngon như một món quà thiên nhiên, trời đất trả lại cho con người.

Con hẻm nhà bà ngoại Diệp đủ lớn  để người dân trồng một vài cây hoa nào đó. Nhà thì rợp sắc tím của hoa ti gôn, nhà lại thắm sắc vàng tươi của điệp vàng.

Ông bà Diệp thì thích hoa giấy trắng. Ông bảo màu trắng của hoa giấy là màu áo học trò, cũng như màu của nét phấn trên bảng, những thứ mà cả đời ông đã gắn bó và say mê.

Trong khi đó, phía bên hẻm nhà dì dượng của ba Diệp quá hẹp để có thể trồng cây. Nơi đó có căn nhà nhỏ của người dì tốt bụng và chứa đến cả bảy con người thuộc ba thế hệ cùng sinh sống.

Và khi ba Diệp đến thì con số này nhảy lên tám. Dù vậy, dì dượng một mực kêu rằng có nuôi thêm một người cũng không làm họ nghèo đi. Bà dì động viên người cháu ở lại thành phố học và lập nghiệp.

Khi mùa hè đi qua, ba Diệp được vào nhập học ở một trung tâm giáo dục thường xuyên của quận.

Tuy nhiên gia cảnh nhà người dì cũng không có gì dư dả nên sau giờ học ông thường ra quán ăn của gia đình dì dượng để phụ giúp họ bán hàng. Đó là Quán bún bò Huế, nằm ngay đầu con hẻm.  Quán ăn tuy nhỏ nhưng luôn sạch sẽ và được thừa hưởng bí quyết nấu gia truyền của đằng nhà dượng truyền lại. Món bún rất ngon,  nên lúc nào cũng đông khách.

Một trong những vị khách trung thành từ thời cha mẹ của dượng bán là ông ngoại Diệp. Người thầy giáo lớn tuổi mê món Bún bò Huế, lúc nào cũng chọn một chỗ ngồi bên góc trong cùng của căn phòng nhỏ, vừa nhẩn nha thưởng thức hương vị món truyền thống quê hương và lặng lẽ quan sát khung cảnh xung quanh. Đó là thói quen của ông, tuy dạy Toán nhưng ông cũng có cảm hứng với việc ghi chép lại dưới dạng những câu chuyện nhỏ

Và kể từ khi trong quán xuất hiện một cậu thanh niên trẻ, vẫn còn mặc nguyên đồng phục khi phục vụ thì ông đã có cảm tình ngay.  Cậu bé, người mà được bà chủ quán giới thiệu là cháu ruột, vì hoàn cảnh khó khăn nên phải vào thành phố sinh sống và học tập. Cậu có vẻ ngoài rất hiền lành, nhưng khi làm việc lại nhanh nhẹn, chịu thương chịu khó.

Cảm nhận rằng người thanh niên này có những tố chất thành công nếu được học hành tử tế, ông thuyết phục bằng được anh đến lớp học Toán mà ông mở tại nhà. Ông chỉ thu tiền học phí tượng trưng cho có và rồi tìm cách thuê anh làm cái này cái kia để trả công, coi như hòa. Anh thanh niên được học miễn phí mà có thể chính anh cũng không nghĩ được ra là như vậy.

Nhưng chẳng ngờ không chỉ được ông bà giáo già thương mà người con gái duy nhất của họ sau này cũng đem lòng quý mến chàng trai trẻ.  Mẹ Diệp biết đến ba cô trước. Hai buổi tối một tuần, mỗi khi ngồi ngoài ban công trên lầu học bài mẹ  đều thấy một người con trai rắn giỏi với nước da sạm đen đi như chạy vào lớp học, kiểu như nếu không nhanh thì trễ buổi học.

Người con gái trẻ trong căn nhà cổ ấy nhìn là thấy toát ra chất con gái Sài thành. Bà vừa được thừa hưởng gen thông minh của một gia đình tri thức lại vừa có được sự sôi nổi năng động của một người sớm được tiếp cận với các nền văn hóa khác nhau.

Thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và có khả năng nói được một xíu tiếng Trung do có nhiều bạn bè là người Hoa bên Quận 5 khiến bà, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đã là hình mẫu lý tưởng của nhiều bạn gái.

Và đương nhiên là  có rất nhiều chàng trai theo đuổi. Nào là một công tử con một chủ chuỗi quá cà phê nức tiếng bên Quận Nhất; nào là một anh chàng diễn viên trẻ đang là sinh viên bên trường Sân khấu Điện ảnh. Anh ta đã đổ rạp cô gái tóc tém khi về trường cấp ba của mẹ Diệp biểu diễn một tiểu phẩm kịch và trong buổi giao lưu đó bà có đàn và hát một bản nhạc Pháp; nào là một anh lớp trưởng học giỏi nổi tiếng trong trường tên Hoàng cũng viết thư làm quen, người mà bà thậm chí còn không biết mặt.

Nhưng lạ là mẹ Diệp lại chẳng có cảm giác rung động gì với bất kỳ ai trong số đó. Cái vẻ bóng bảy của các công tử chưa bao giờ thu hút được sự chú ý của người con gái duyên dáng ấy. Vẻ đẹp của bà có một cái chất gì rất riêng mà chính bà cũng không hề nhận ra, cá tính, rất cá tính nên bà cho rằng các anh chàng đó cứ như những con công.

Mãi sau này khi lớn tuổi hơn, mỗi khi nghĩ lại bà mới bật  cười và nhận ra rằng thực ra hồi đó mình cũng chẳng khác gì các anh chàng kia, nghĩa là suy nghĩ còn rất trẻ con. Chắc gì những chàng trai đó đã hoàn toàn cảm mến bà một cách chân thành. Họ theo đuổi bà đơn giản vì đó là mục tiêu họ muốn chinh phục thôi, càng khó thì họ lại càng thích.

Đàn ông mà, vốn bản chất là loài thích chinh phục. Bà nghĩ họ là những con công thì biết đâu đấy, trong đầu họ cũng lại nghĩ : Kiêu kỳ đến thế ư? Cô tưởng cô là ai chứ, cô cũng chỉ như con quạ mà thôi!

Thế nên mới có chuyện để kể chứ còn không thì làm gì có Diệp của ngày hôm nay, phải không quý độc giả?

Một hôm kia, mẹ Diệp đi ăn tối ở quán Bún bò mà ba cô là người phục vụ. Lúc đó bà mới để ý đến cậu học trò mà ở nhà ba rất hay kể. Rằng anh học rất sáng dạ dù cho có hoàn cảnh đặc biệt nên vừa đi học và vừa phải làm việc vào buổi tối.

Và đến hôm đó thì thật ra là cô gái tóc tém đã biết đến chàng trai gốc miền biển rồi. Chỉ có điều, cô cũng nghĩ rằng chắc chắn anh cũng phải biết đến cô, vì cô nổi tiếng thế mà. Chưa kể cô lại là con gái của người thầy cũng có tiếng dạy giỏi không kém.

Thế nên, cô cứ đinh ninh khi bưng ra cho cô tô Bún thì ít nhất chàng trai cũng phải nở một nụ cười làm quen và hỏi han vài câu như thường thấy. Ấy thế mà, anh chỉ đơn giản là đặt tô bún lên bàn, ngay trước mặt cô và nhẹ nhàng quay đi.

Tất cả chỉ có thế!

Và nàng tiểu thư đã hơi sốc. Rõ ràng là họ đã đi qua nhau mấy lần ở cửa nhà cô rồi cơ mà nhỉ, không thể nào cậu ta không biết mình được? Và nếu thế thì ít ra cậu ta cũng phải tỏ ra một chút lịch sự nào đó chứ, đằng này lại cứ tỉnh bơ như không vậy?

Chàng trai thì tất nhiên là chẳng biết gì. Ngây thơ kể ra cũng có cái hay của nó, dù có “vô số tội” thì cũng coi như là “vô tội” :))

Vốn sinh ra ở làng quê nghèo, vừa chân ướt chân ráo ra một nơi phồn hoa đô hội như Sài Gòn để sống và học tập, anh không mong gì hơn là cố gắng học và làm việc để phụ giúp người dì đã cưu mang mình.

Ý thức được hoàn cảnh của bản thân, nếu cho rằng đó là sự tự ti thì cũng phần nào là đúng, nên anh cũng ít chú ý đến những cái hoặc những người mà anh không cho rằng mình cùng đẳng cấp.

Các bạn ở thành phố hơn anh nhiều quá, về trình độ, về sự hiểu biết, về sự sành điệu. Trong khi đối chiếu lại mình, anh có thể nhìn thấy bao nhiêu là nhược điểm: Vừa kém cỏi, phải chật vật để theo đuổi nhiều môn học, vừa mờ nhạt vì không có một chút tài lẻ nào.

Thế cho nên anh không có nhu cầu và cũng không quan tâm đến những cô gái nổi bật, vừa xinh đẹp vừa kiểu cách con nhà khá giả kiểu như cô gái mới vào quán ăn tối ban nãy. Họ ở một thế giới khác, nơi anh nghĩ anh không thể với tới được.

Cũng như anh cũng không để ý hôm sau cô gái ấy lại tới dùng bữa tối. Đã bao giờ trong hai buổi tối liên tiếp mà nàng đến ăn ở cùng một quán chưa? Chắc chắn là chưa vì phần lớn cô ăn tối ở nhà, do mẹ nấu.

-Cô cho con một tô bún, không rau sống, không giá đỗ

Cô gái nói với người chủ quán như thế rồi cũng chọn một chỗ ngồi kín đáo y như người cha của cô. Chỉ ít phút sau chàng trai của ngày hôm qua đã bê ra cho cô tô bún nóng hổi:

-Ủa sao tô của tui không có rau sống vậy ?

Cô gái đổi ý, phủ nhận lại yêu cầu ban đầu. Tại sao cô lại hành động vậy ư?  Dễ hiểu mà nhỉ, chỉ vì chàng trai, lại y hệt như hôm qua, đơn giản là đặt tô bún trên bàn và nhẹ nhàng quay gót đi, không thèm để lại cho cô bất cứ dấu hiệu nào của việc muốn làm quen, ngoài một câu xin lỗi cho phải phép vì chàng nghĩ rằng mình đã phục vụ chưa tươm tất:

-Xin lỗi, tôi sẽ mang rau ra ngay

Và cũng nhanh như lúc quay đi, ngay lập tức đĩa rau sống tươi xanh đã được đặt bên cạnh tô bún

-Cho tôi thêm một ly Coca

Cũng chẳng mất mấy giây, yêu cầu của cô tiểu thư đã được đáp ứng

-Tôi đổi ý rồi, tôi muốn một ly trà đá

Lần này thì cô chịu ngồi im ăn hết suất ăn đã gọi. Dĩ nhiên, rau sống còn nguyên và nước trà thì khi vừa nuốt ngụm đầu tiên, một phản ứng bất ngờ là cô phải nhổ ra ngay lập tức, vì nó mặn chát. Cô đang uống thứ gì thế này, nước biển chăng?

-Này cô tiểu thư, cô là người dễ thay đổi, hay lung lay nay thích cái này mai thích cái khác thì có ngày sẽ gặp phải người hay quên, đãng trí, anh ta thay vì bỏ muối vào nồi nước dùng thì lại đi bỏ vào ly nước trà. Thế người ta gọi là “Kẻ cắp bà già gặp nhau” đấy cô biết không?

Chàng trai vừa dập mạnh cái giẻ lau xuống mặt bàn để lau đi vũng nước mà nàng tiểu thư đã xả ra vừa nhìn chằm chằm vào cô.

Và lúc này anh mới nhận thấy  là gương mặt này rất rất là quen, rõ là anh đã gặp ở đâu rồi mà!

Tối đó về nhà nàng tiểu thư vừa bực mình vừa xấu hổ. Và tự nhiên cô bỗng thấy mình thật là vô lý, không dưng lại đi bực tức ba cái chuyện chẳng đâu vào đâu với một người giời ơi đất hỡi chẳng có tí liên quan nào tới mình cả. Cô có còn là cô nữa không đây?

Thế rồi rất lâu sau đó không thấy nàng tiểu thư xuất hiện ở quán Bún bò nữa. Chính bản thân cô cũng không hiểu sao mình phải né cái quán ấy đi làm gì? Cô cũng không còn thích ngồi ở góc ban công có chậu hoa giấy trắng để  phải nhìn thấy bóng hình của cậu học sinh của ba mình.

Cậu ta thậm chí còn chẳng thèm để ý gì đến một đứa con gái là mình, đứa con của người thầy cậu ta đang theo học, cớ sao mình phải bận lòng?

Còn chàng trai, không hiểu sao,  sau bữa giáp mặt với nàng tiểu thư bỗng dưng anh cũng muốn gặp lại nàng. Tuy vậy sau  đó, không một lần nào cô gái quay trở lại nữa.

3.

Thời gian trôi đi. Một năm sau họ đều tốt nghiệp phổ thông. Cô gái dễ dàng đỗ vào một trường Đại học có tiếng đúng chuyên ngành mà cô yêu thích: Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp.

Chàng trai thì không được may mắn như thế, anh rớt Đại học Bách Khoa chuyên ngành Điều khiển và tự động hóa. Người thầy giáo già nhân hậu khuyên anh đừng nản chí mà hãy cố gắng ôn luyện lại một năm vì lúc này anh đã có nhiều thời gian hơn rồi.

Tuy vậy, anh đã có  lệnh lên đường nhập ngũ theo yêu cầu của địa phương.

-Con hãy cầm bộ sách này tranh thủ học trong thời gian quân ngũ. Thầy tin rằng hai năm rèn luyện trong một môi trường kỷ luật như thế sẽ làm con trưởng thành và cho con ý chí để tiếp tục tiến về phía trước.

Và buổi chiều lộng gió gần ba mươi năm về trước, có một chàng trai trẻ ngay sau khi rời nhà người thầy đáng kính đã đạp xe một mạch ra bến Cảng nhà Rồng. Anh cứ đi qua đi lại mấy lần trên con đường rợp bóng cây cổ thụ Tôn Đức Thắng, rồi sau đó mới vượt qua cầu Khánh Hội sang phía bên đường Nguyễn Tất Thành nơi có bến Cảng lịch sử.

Anh cũng không rõ tại sao mình lại ra đây, cũng có thể vì với thời tiết nóng nực như thế thì một vị trí lộng gió trước dòng sông đem lại cho anh sự thoáng đãng. Nó xua đi  một nỗi buồn sâu sắc bỗng nhiên trỗi dậy trong lòng chàng trai trẻ. Anh không biết rồi cuộc đời của mình sẽ đi về đâu, tương lai mình phải làm gì để kiếm ra tiền.

Anh mới về quê thăm mẹ, ba năm không phải là thời gian quá dài nhưng cũng đã làm thay đổi cái nhìn anh dành cho mẹ. Anh đã không còn trách mẹ nhiều như trước nữa. Điều mà khi chứng kiến người mẹ lam lũ đang phải vất vả vật lộn nuôi ba đứa con lít nhít với đủ các nhu cầu ăn học, thì anh đã biết chắc là như thế. Trái tim anh vốn đã từng chất chứa bao niềm oán thán, thì giờ đây chỉ còn là tình thương yêu sâu nặng. 

Lúc này, anh đang đứng ở Cảng nhà Rồng. Nơi mà từ nhỏ anh đã được biết qua các bài học Lịch sử ở trường. Người ta cho rằng có nhiều thuyết khác nhau về tên gọi Nhà Rồng. Có thuyết nói rằng vì trên nóc ngôi nhà trụ sở hãng vận tải Messageries impériales tại Sài Gòn có gắn đôi rồng lớn bằng đất nung tráng men xanh. Một thuyết khác lại nói “Nhà Rồng” có nghĩa là “Gia Long”, với Nhà là Gia, Rồng là Long, bến “Nhà Rồng” được người Pháp đặt để nhớ tới quan hệ của vua Gia Long với nước Pháp. Tuy nhiên hình như thuyết này không được chính xác cho lắm, anh cũng chỉ nhớ được có thế.

Buổi tối đón gió bên tòa nhà lịch sử ở một địa danh lịch sử như thế, tuy không thể xóa tan đi hết những phức cảm lo lắng mơ hồ nhưng lại tiếp thêm cho chàng trai nghèo một tinh thần vươn lên mạnh mẽ và niềm hy vọng  cho những gì tốt đẹp hơn sẽ đến.

Tạm biệt Sài Gòn, anh trở thành một người lính đảo.

Nơi anh đến là biển xa, 

nơi anh tới ngoài đảo xa

Trang phục của một người lính Hải quân không ngờ lại quá hợp với anh. Một năm đầu trong quân ngũ không gây một chút khó khăn nào với chàng trai quen với nắng gió biển khơi. Anh, một mặt vẫn miệt mài trên thao trường nắm chắc tay súng canh giữ bầu trời hải đảo, mặt khác không ngừng chăm chỉ ôn luyện.

Bộ sách ôn thi của người thầy mà anh xem như người cha thứ hai của mình, luôn ở bên cạnh. Anh biết rằng mình sẽ phải cố gắng vì tương lai của bản thân và cũng là để không phụ lòng những người đã luôn yêu quý, giúp đỡ mình.

Lại nói về nàng tiểu thư, cô cũng không mấy khó khăn để bắt nhịp với cuộc sống của một sinh viên. Về cơ bản cuộc sống của cô cũng không khác biệt gì mấy so với thời còn học phổ thông.

Cô vẫn sống với ba mẹ và luôn yêu thích được sống trong ngôi nhà nhỏ này.

Cô vẫn học hành tốt và đương nhiên vẫn luôn không khi nào thiếu người theo đuổi.

Hết một năm trong quân ngũ chàng trai được về nghỉ phép 10 ngày. Anh dành 5 ngày về quê thăm mẹ và các em rồi lên nhà người dì ở thành phố. Trước khi trở lại với đảo cho năm cuối thực hiện nghĩa vụ, tất nhiên anh không quên đến thăm nhà người thầy.

Nhưng mở cửa đón anh khi này không phải là thầy hay cô. Họ mới ra khỏi nhà đi công chuyện đâu đó,  thay vào đó là cô con gái của họ.

Đó cũng có thể được gọi là cuộc gặp gỡ định mệnh, nếu như chiểu theo cách nghĩ của cô con gái tương lai của anh sau này.

Tất nhiên, khi đối mặt với nàng tiểu thư hách dịch ở quán Bún năm nào, thì người ngạc nhiên phải là chàng lính trẻ. Anh không ngờ rằng người con gái đó lại chính là con gái diệu của người thầy đáng kính.

Sao đến hơn hai năm theo học ở nhà thầy mà anh chưa bao giờ nhìn thấy cô nhỉ? Hay có đi qua nhau rồi mà anh không nhớ? Để mà giờ đây, điều đó đã gây ra cho anh một sự bối rối đến thế.

-Mời cậu ngồi đợi chút, ba mẹ tui sẽ về liền ngay thôi

Giọng nói của cô thật là quen với anh, chỉ có điều bữa đó anh nghe sao hay hơn hẳn 

Lóng nga lóng lóng và rất là run anh lấy từ cái ba lô người lính một con sò ốc biển lớn như là một quà tặng của biển:

-Tui không có gì, chỉ có món quà nhỏ gởi thầy cô.

-Tui hy vọng trong này không có nước biển

Cô gái đáp xong biết mình hơi lỡ lời nên vội lấp đi ngay

-Nhưng con sò đẹp quá. Cậu mua nó ở đơn vị cậu đóng quân luôn hả ?

Chàng trai phì cười vì sự ngây thơ của cô tiểu thư

-Đúng vậy và nó rất là mắc đấy.

Cô gái vẫn không hề biết rằng chàng đang trêu mình:

-Cám ơn cậu! Nhưng nếu mà nó mắc quá thì lần sau cậu đừng có mua nữa, chỉ cần đến thăm ba tui là được rồi. Ông vẫn nhớ và thi thoảng lại nhắc đến cậu

(Thế còn cô?, một ý nghĩ bỗng thoáng qua trong đầu chàng lính trẻ)

-Cậu học Đại học trường nào ? Học có khó không ?

Chẳng biết sao tự nhiên anh bỗng cảm thấy tự tin hơn hẳn. Đã hết run và sự vững chãi dày dặn vẻ lính chiến cho anh cảm giác mình như một người anh trai của cô gái hơn là một người bạn cùng tuổi

-Tui học Ngôn ngữ Pháp, cũng không có gì quá khó

-Tại cậu học giỏi nên nghĩ vậy thôi chứ tui nghĩ Đại học sao mà dễ được

-Thế cậu tính thế nào ? Cậu phải đi bộ đội bao lâu ? Sau đó định làm gì?

Đến lượt cô gái cũng không hiểu sao mình lại hỏi câu hỏi đó với một chàng trai mà trước đây đã có lúc cô cảm thấy rất ghét.

-Tui cũng chưa định gì cả. Cứ để hoàn thành nghĩa vụ đã rồi về tính sau

Thật ra anh đã biết là mình chắc chắn phải thi vào Đại học chứ. Nhưng lại một lần nữa, cái cảm giác tự ti lại xuất hiện. Anh không muốn nói gì về những dự định của mình cả, vì anh không biết liệu mình có thất bại lần nữa hay không. So với cô anh là người chẳng có cái gì. Cô lại có tất cả.

-Không sao, cậu cứ cố gắng ôn luyện. Ba tui nói cậu học tốt lắm, chỉ là lần trước chưa được may mắn thôi

Đúng rồi, thiếu 0,5 điểm thì vẫn là thiếu. Cũng như rớt thì vẫn là rớt thôi, dù có nói thế nào thì đó cũng là một sự thất bại. Anh đã từng buồn bã mà nghĩ như thế đấy khi nhận được những lời an ủi của người khác. Nhưng với cô gái này, sao lại cho anh một cảm giác khác thế kia

-Cám ơn cậu. Và cũng cho tui xin lỗi về ly nước muối năm nào

Cô gái chưa kịp đáp lại lời anh thì cha mẹ cô về. Thầy trò gặp nhau vui mừng bao nhiêu chuyện để kể. Vậy mà anh vẫn bị phân tán khi nhận ra rằng, cô con gái của người thầy đã không còn có mặt ở đó. Cô gái đã về phòng, để cha và người học trò của ông nói chuyện riêng với nhau.

Khi tạm biệt thầy ra về, chàng lính cứ tiếc mãi giá mà anh đến thăm thầy sớm hơn một ngày thì có phải là còn thời gian mời người bạn gái mới quen một tô Bún bò.

Nhưng không thể nữa rồi, vì sáng sớm ngày mai anh đã phải rời xa thành phố đề về lại đơn vị.

Chuyến về phép năm ấy hóa lại gây rắc rối cho chàng trai trẻ. Hình ảnh cô con gái của người thầy không ngày nào không quẩn quanh trong tâm trí anh. Mỗi ngày anh đều lấy sổ ra viết nhật ký, sau đó lại chuyển sang viết thư.

Tuy vậy, lần nào cũng như lần nào, anh cứ viết xong thì lại cất đi mà không dám gửi. Nàng chắc gì đã đọc thư của một kẻ như ta? Làm sao nàng lại để mắt tới một người tầm thường đến thế?

 Anh viết đúng ba mươi cái lá thư như vậy trong vòng một tháng và sau đó đến cái thứ ba mươi mốt thì quyết tâm gửi thư đi:

Từ mảnh đất quê ta,

giữa đại dương mang tình thương quê nhà

Anh đã bắt đầu bằng những câu thơ trong bài hát của người lính Hải quân ở bức thư thứ ba mươi mốt và trong dòng cảm xúc ngổn ngang lộn xộn anh không hiểu sao mình lại viết được đến kín 8 mặt của hai tờ giấy đôi.

Bức thư nhanh chóng được gửi đi vào sáng sớm hôm sau, để không cho phép anh nghĩ lại cho một sự thay đổi giống như số phận của ba mươi bức thư trước.

Nhưng một điều anh không ngờ tới, là ngay buổi chiều hôm đó anh lại nhận được thư chuyển tới từ Sài Gòn.

Chữ của một người con gái anh vẫn hằng mong được gặp lại.

Và cho đến lúc này anh mới biết tên của cô.

Con đường có lá dầu bay

You may also like

Để lại bình luận