Ngôi sao trên bầu trời phương Bắc

by Rose & Cactus

1.

Lá thư từ Boondocks

By Julia Moxley

Các cháu yêu quý,

Dì nghĩ dì sẽ viết cho các cháu một lá thư. Kể từ khi bọn trẻ đi học, thư từ đã trở nên quan trọng và thỉnh thoảng mọi người đều khao khát thư từ.

Ở đây, ngoài trời, trên những ngọn đồi và thung lũng này, chúng ta sẽ ngủ đông cùng với những chú chó rừng trừ phi thư từ được đem đến.

Gần đây tuyết rơi khá nhiều và chúng ta phải tất bận dọn đường.

Một ngày lạnh giá, khi tuyết bay khỏi mái nhà như bột đường phủ lên chiếc bánh ngọt, người đưa thư dừng lại. Dì khoác chiếc áo khoác da gấu cũ rồi đi ra ngoài. Tuyết kêu răng rắc dưới chân có khi khiến các cháu tưởng như có ai đó đang véo nó.

Dù sao cũng có một trong số đó là những bức thư của người thân. “Mẹ” thư viết, “Mẹ có thể xuống phố nói chuyện với một số học sinh lớp ba về những người bạn lông vũ của chúng được không?”

Chà, dì không giỏi đọc và viết nhưng nói chuyện thì khác – vì vậy dì bắt đầu chuẩn bị để đi ngay.

Dì thu thập tất cả mọi thứ trong nhà mà chim từng ở trên đó hoặc trong đó. Thậm chí còn mượn một vài thứ.

Tuyết rơi liên tục vào ngày dì lái xe đến trường. Nhưng dì đã chất hàng từ sáng sớm.

Chỉ có đủ chỗ cho một con cú và diều hâu gà ngồi trên ghế bên cạnh dì. Chúng ta luôn gọi chúng như vậy ở quê nhà. Chắc chắn chúng là thú nhồi bông.

Dì đã tưởng tượng mình sẽ trượt khỏi đường vào một bãi tuyết và đáp xuống giữa đám lông chim đó. Ai có thể biết đó là vật thể bay gì?

Không có chuyện gì xảy ra và dì đến trường vào buổi trưa. Những đứa trẻ chín tuổi có đôi má hồng hào bước vào với đôi bốt to và đôi mắt to hơn.

Điều đầu tiên chúng phát hiện ra là loài cú sừng lớn và loài diều hâu Cooper – giờ đây chúng ta gọi chúng bằng tên riêng.

“Chúng có lớn đến vậy không? Đó có phải là lông thật không?”

“Ừ,” dì nói. “Đôi khi con cú đó được gọi là “con hổ của rừng” và con diều hâu được gọi là “tia chớp có lông”. Và lũ trẻ thích điều đó.

Sau đó lũ trẻ ngồi xuống và hát một bài hát:

“Hôm qua sườn núi xanh tươi.

Hôm qua bầu trời trong và xanh.

Rồi hàng triệu bông tuyết trong đêm

Nhẹ nhàng rơi xuống để tô điểm thế giới bằng màu trắng.”

Bây giờ dì mừng chứ không tiếc vì có  tuyết nữa.

Còn nhiều điều muốn nói với các cháu nhưng đường ra phía sau đang bị đóng tuyết và người đưa thư sắp đến nên dì phải kết thúc ở đây.

Thương yêu,

Dì Jule

Trường cấp 2 xưa của mình vừa tròn 50 tuổi. 50 năm, tính bình quân ra cũng bằng 2/3 đời người  và khi mình bắt đầu học ở đây thì trường còn chưa đến tuổi hai mươi. Nàng (hay chàng :)), (tiếng Anh người ta dùng “she” – “nàng” chỉ để chỉ đất nước hay phương tiện đi lại kiểu tàu bè xe cộ chứ không thấy dùng cho building :)) – nhưng thôi vì ngôi trường của bọn mình nhỏ bé lắm nên mình kêu là “nàng” vậy :))  “Anh thấy em nhỏ bé anh thương” mà, khi ấy mới bước vào tuổi mười bảy, cái tuổi bẻ gãy sừng trâu nên dưới con mắt lũ nhóc tụi mình một lũ lóc chóc loi choi mười một mười hai tuổi, “mới” được chuyển lên cấp hai thì sao mà nó to lớn đến thế.

Ngoài dãy lớp học, cả cao và thấp tầng thì còn có cả sân gửi xe chứ cấp 1 làm gì có. Bọn cấp 1 là bọn con nít :)), nên chỉ có xe căng hải mà đi thôi. Đấy, chả thế người ta nói lên “xe” là lên đời cũng không có gì mà lạ :)).

Lớp 6 mình được bố mẹ mua cho cái xe Thống Nhất màu xanh lá, đạp thì rất OK nhưng nhìn thì chưa được đẹp đẽ như cái xe mini sau này. Nhưng cũng chả sao, có xe đi là tốt lắm rồi, có xe là ta có thể tự mình lượn lờ khắp nơi.

Chẳng hạn cứ hai buổi chiều trong tuần mình lại lượn trên con đường thơ mộng, qua ngôi trường cấp 3, qua mấy cánh đồng lúa rập rờn để tới nhà cô Hòa học thêm Toán. Nhà cô rộng, có một căn cấp bốn nhỏ tách hẳn với nhà chính để cô dạy thêm. Nói thêm là thời đó bọn mình chỉ học ở trường buổi sáng còn buổi chiều được tự do ở nhà nên kỳ thực đi học thêm lúc đó chắc chỉ để tụ tập cho vui thôi chứ cũng chẳng hề cảm thấy áp lực gì, kiểu học thì ít mà chạy nhảy là nhiều :)).

Cô Hòa có mái tóc dài và cô hay tết rồi buộc đằng sau như bao nhiêu người con gái thời bấy giờ. Cô hiền và dạy Toán giỏi, kiểu lại  “thoáng” nữa nên học cô mình cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu. Nhà cô có một cây nhãn to và vài cây nhỏ, ra chơi bọn con trai hay trèo leo nghịch phá trên đó, không thì chúng nó cũng chạy ra ruộng lúa sát lớp học để uýnh nhau chứ chả bao giờ có chuyện ngồi im trong lớp.

Mỗi buổi học kết thúc là cô Hòa lại giao bài tập về nhà cho bọn mình làm nhưng thường là không quá khó. Chỉ có một đôi lần có một hai bài tập Hình hơi trúc trắc hơn một xíu và một đôi lần đó mình  thường mang sang cho bác hàng xóm cạnh nhà mình để bác giải.

Cũng không hẳn là mình muốn nhờ bác làm giùm mà kiểu mình thích nhìn cái cách bác hứng thứ giải được một bài Toán khó. Đôi khi trong cuộc sống chúng ta có thể gặp những con người rất hay với những sở thích rất hay. Đó là họ say mê làm một cái gì đó có khi chả để làm gì, chỉ có thể lý giải chỉ bởi việc làm đó làm họ vui.

Bác hàng xóm nhà mình gốc người Quảng Bình, và bác rất thích giải Toán Hình. Kể cả mình không nhờ bác giải những bài toán khó thì lâu lâu nếu thấy mình đi học về dựng xe ở sân mà bác đang đứng ở sân nhà bác thể nào cũng hỏi với sang: Hiền đi học về hả cháu, hôm nay có bài toán Hình nào hay không?

Và  bác sẵn sàng giải luôn tại chỗ, có khi chỉ vài nét phấn vẽ lên sân chứ cũng không cần giấy bút gì. Và bài Hình nào bác cũng giải đúng cả, chưa bao giờ sai, kể cả mấy bài trong đề thi bồi dưỡng học sinh giỏi. Mình mấy lần thế thì phục bác lăn vì sau bao nhiêu năm mà bác vẫn nhớ từng ấy kiến thức. Mỗi lần mình khen bác giỏi bác lại cười sảng khoái: “Cháu phải coi học là chơi mà chơi là học thì mới thấy thoải mái được. Bác thích giải Toán vì nó giúp trí nhớ của bác tốt hơn.”

Tiếc là không lâu sau khi mình rời nhà đi học ở Hà Nội thì bác mất. Bác mất sớm do mang đủ thứ bệnh trong người dù cho trí nhớ vẫn còn tốt. Đợt hè mình về thì bác gái là vợ bác, giờ đây đã là một cụ bà 80 và không còn đủ minh mẫn để nhận ra mình, thậm chí bác cũng không thể nhớ được mẹ mình người hàng xóm sát bên cạnh mà thi thoảng bác vẫn sang chơi, là ai.

Thời gian thật tàn nhẫn, có thể lấy đi của chúng ta bất cứ thứ gì khi nào nó muốn. Bởi vậy nếu còn yêu nhau được thì phải tích cực yêu vào :)) vì chẳng mấy mà ngày sẽ thành thiên thu:

Hãy yêu nhau đi, khi rừng thay lá
Hãy yêu nhau đi, dòng nước đã trôi xa
Nước trôi qua tim rong đầy trí nhớ
Ngày mãi mong chờ, ngày sẽ thiên thu

(Đức Huy)

Mình con gái nên “hiền sớm” :)) tức là chỉ nghịch ngợm, có khi còn là nghịch dại nữa, đến hết lớp 7. Sang đến lớp 8 trở đi tính tự nhiên lại đằm hẳn, trùng hẳn xuống đến tận giờ, đến mức mà thường hay có cảm giác lạc lõng giữa chốn đông người, một cảm giác thực sự rất khó lý giải dù mình đã và đang sống ở những đô thị đông đúc bậc nhất. Chán chết các bạn nhỉ, kiểu này thì cứ cho lên núi ở cho lành :))

-Tưởng lên núi giờ mà dễ à. Hết chỗ lâu rồi, mà có còn thì cũng đắt đỏ lắm, bán mấy lô của mày dưới Vườn Địa đàng cũng không ăn thua gì đâu :))

Đấy là nội dung bức điện “cụ xứ” vừa gửi cho thằng Skeleton các bạn ạ. Khổ quá, ở trên cao mà cụ vẫn không thôi lo lắng cho mấy thằng bạn từ thời nối khố giờ vẫn cứ long đong lận đận :)). Thằng thì “seven love”, thằng thì “tiến tùng”, thằng thì bán gì cũng ê sắc ế :))

Nhưng bức điện này đề ngày hôm qua còn hôm nay nghe nói cụ đã hạ cánh an toàn xuống Vườn Địa đàng rồi :)). Chuyện, còn phải hỏi lý do, dễ ẹc à, bởi cái tàu điện trên cao sắp khởi hành chớ còn gì nữa. Nghe nói cụ xứ được vinh dự cắt băng khánh thành nữa kìa, không khéo có khi còn được mời lái tàu chứ chẳng chơi :)).

Các bạn cứ chuẩn bị ít tiền lẻ đi nhá, giá vé rẻ hều, nghe đâu có trên dưới mười nghìn thôi. Cái giá ấy chẳng quá ngon à, vừa được đi nhanh, vừa được ngắm cảnh trên cao, lại còn có cơ hội xin được chữ ký của cụ nữa chứ, rõ là một công đôi ba việc :))

Mình thông tin thêm thế để các bạn biết mà chuẩn bị vi vút lên trung tâm Sài Gòn từ trên cao. Còn giờ mình quay trở lại với thứ mình đang viết ở đầu bài.

Là ở cái tuổi lớp 8, lớp 9, mười ba mười bốn ấy có cái mà người ta gọi là “hội chứng” tuổi dậy thì. Tuổi ấy trẻ em có nhiều biến đổi lắm, theo chiều hướng nổi loạn. Nhưng mình thì dạng ngược, chắc do từ nhỏ nghịch quá nên đến tuổi đó chán rồi :)).

Tuy thế, năm lớp 9 vẫn có vài lần trốn tiết sang nhà bạn Yến ngồi ngay bàn trước mình ở lớp để …đọc truyện. Nhà bạn ở khu tập thể sát trường và có một kho truyện Kim Dung. Gớm, mấy anh chàng lữ khách giang hồ cùng các nàng thơ, các tiên nữ của các ảnh trong các câu chuyện huyền ảo ma mị sao mà hấp dẫn mấy đứa con gái bọn mình thế chứ, hay ít nhất cũng là với mình và Yến. Có lần Yến bảo mình: “Cái bọn con gái mà đọc Kim Dung thì chỉ được cái mạnh mẽ bề ngoài. Trong mềm yếu như sên.” Chả biết đúng không :)), các bạn gái đọc Kim Dung trả lời thử coi là có đúng như vậy không nhé!

Ngôi trường cấp hai nhỏ bé nơi mình có những người bạn đặc biệt đến tận giờ, mà mỗi khi nhớ lại mình lại thầm cảm ơn nó biết bao vì đã cho mình có được một bầu trời kỷ niệm với những người bạn ấy.

Đến bây giờ khi chúng mình tóc đã pha sương, da bắt đầu có nếp nhăn, tính tình thì lẩm cẩm kiểu như đang đeo cái kính ngay mũi mà lại cứ đi loanh quanh tìm cái kính vứt ở đâu :)) thì “nàng” vẫn thế, vẫn hết sức bé nhỏ với chỉ  mấy dãy lớp học, không hề tăng hay mở rộng so với ngày xưa. Vẫn với cụ xà cừ cổ thụ, cụ đã già lắm rồi, thân cây đen xì xù xì, cành lá sum suê tỏa bóng ngay chỗ cầu thang lên tầng hai của dãy nhà hai tầng.

Mình đọc ở đâu đó ai đó có nói rằng đôi khi ta nhớ về một nơi chốn nào đó mà ta đã từng sống trong đời, ta thấy nó đẹp hơn bây giờ, thì không hẳn là vì trước đây bản thân nó “đẹp” hơn mà là bởi vì ta đã trải qua tuổi ấu thơ, tuổi trẻ, là quãng đời đẹp nhất của mỗi người ở những nơi chốn ấy. Giả sử, nếu không phải ở đấy mà là ở đây, hay ở kia thì ta cũng có cảm giác thế mà thôi!

Vậy nên trong nhiều bộ phim hay tiểu thuyết Mỹ ở thập niên 90,2000 mà mình đã xem hay đọc hay có bối cảnh một người rời xa một vùng thị trấn nhỏ (ở bang Alabama chẳng hạn) đến học tập và làm việc ở một thành phố lớn (như New York) và rồi một ngày nọ họ trở về quê nhà và một mình lang thang thăm lại lớp cũ trường xưa thì lúc nào cái lớp cũ trường xưa ấy cũng được miêu tả dưới góc nhìn của người đã đi xa với một vẻ cũ kỹ cổ điển, ví như  phòng học thì nhỏ và cửa sổ thì bung ra một vài thanh bản lề, một vài cột bóng rổ đã phai màu với lá rụng đầy xung quanh, những cái ghế vắng lặng của sân vận động của trường…

Những chuyến trở về đó có thể khiến cho họ quyết định trở về quê nhà sinh sống hoặc có thể không, họ vẫn tiếp tục bước tiếp trên con đường họ đang đi, ở nơi phố thị sầm uất mà họ đang sống. Nhưng chắc chắn đó là một khoảng lặng đẹp đẽ, làm ấm áp thêm trái tim và tâm hồn của mỗi người trong hành trình không quá dài của một đời người.

Có thể thấy, dù là Đông hay Tây Tây thì cũng có những thứ cảm xúc mang tính chung của con người. Ấy là kiểu cảm xúc hoài niệm về một thời đã xa. Đã mất.

Có người sẽ đặt câu hỏi: Hoài niệm để làm gì. Sống cho hiện tại đi. Điều đó cũng rất đúng. Nhưng nhìn ở một khía cạnh tích cực thì hoài niệm chính là chất xúc tác để chúng ta có thể trải lòng mình, một cách thật nhất, hay ít nhất với mình là thế.

Con người về cơ bản thường mượn quá khứ để nói thay cho nỗi lòng hiện tại hoặc đơn giản chỉ là do vấn đề thời gian tuổi tác, không tin các bạn cứ nói chuyện với các cụ già nhiều đi là sẽ thấy được điều ấy, từ tầng lớp lao động hay trí thức, từ người nghèo hay kẻ giàu, càng về già thì càng giống nhau: Giống ở chỗ nhan sắc bị san phẳng như nhau, về già ai cũng đẹp lão hết, cứ yên tâm là thế:)) và câu trước câu sau các cụ lại quay về chuyện ngày xưa :));

Người già hóa ra như một đứa trẻ, với ánh mắt lim dim mơ màng và những hồi tưởng cứ thế chạy qua ký ức của họ như một đoạn băng được tua ngược, một cách chầm chậm

Cho đến khi đoạn băng dừng lại hẳn. Nghĩa là lúc ấy trái tim họ  ngừng đập. Chiếc lá vàng đã lìa cành. Và tất cả chỉ còn lại là những kỷ niệm. Rơi vào hư vô.

Hôm qua con gái từ trường về bảo mẹ con muốn rẽ qua trường cấp hai cũ một chút. Thế là mình chở qua. Lúc về thì nàng đi bộ về và đến nhà thì bảo mẹ: Sao tự dưng con thấy trường cũ nhỏ đi mẹ, mới có hai năm mà cái hành lang đã bé sao ấy?

Bảo sao chúng mình xa trường cấp hai đã ba muơi năm khi quay trở lại lại không thấy bùi ngùi vì cái sự nhỏ bé của nó ?

Có lẽ chỉ có tình yêu với những thứ nhỏ bé ấy thì càng ngày càng lớn thôi!

2.

Dưới con mắt trẻ thơ

By Julia Moxley

Một cách chắc chắn để khiến học sinh lớp ba hứng thú với hoạt động ngoài trời là cho bọn trẻ ra ngoài chơi trong giờ giải lao.

Có nhiều cách khác để tạo ra sự nhiệt tình. Hiển thị một slide màu của một con ong nghệ trên cây kế sữa là một cách. Cách khác là chỉ ra bản năng và sự khéo léo để xây dựng được một chiếc tổ chim.

Thế rồi người ta bắt đầu thắc mắc. Những đứa trẻ tám và chín tuổi biết được bao nhiêu về những khía cạnh nghiêm trọng của thiên nhiên, chẳng hạn như sự ô nhiễm và cỏ dại? Và Mẹ Thiên nhiên trong tưởng tượng, liệu bà có phải là một phần của thế giới trẻ thơ không?

Hãy hỏi trẻ những câu hỏi này. Đầu tiên là, ô nhiễm là gì? Hãy đọc tiếp để biết bộ sưu tập các câu trả lời của chúng.

“Ô nhiễm là thứ tàn phá đất nước chúng ta – đó là rác thải, bụi bặm. Sự nguy hiểm. Khi những người lười biếng ném lon bia hoặc rác xuống đất thì đó là ô nhiễm. Ô nhiễm là nước đến từ Cleavelnd. Đó là từ ô tô và các nhà máy thép lớn khác. Ô nhiễm là một cái gì đó trẻ trung và có vẻ trẻ con. Nó giống như rác, khói, chuột và những thứ tương tự.”

Câu hỏi tiếp theo: Cỏ dại là gì?

“Nó giống như một bông hoa và bạn có thể thổi bay nó ngay lập tức. Đó là một mảnh cỏ thối. Tôi không biết. Cỏ dại là một loại cây trồng. Đó là một loại cây mà người nông dân không thích. Cỏ dại là một cây gậy dài khoảng 1 thước Anh. Một loại cây cỏ tipe. Đó là một loại hạt giống đã bắt đầu mọc sai hướng.”

Câu hỏi cuối cùng là dành cho trí tưởng tượng. Mẹ thiên nhiên là ai?

“Mẹ Thiên nhiên là tất cả. Người tạo ra sự tăng trưởng. Mẹ thiên nhiên là một loài hoa dại. Bà thực sự đáng tin nhưng một số người nói rằng bà chăm sóc tất cả các cây lớn, cây nhỏ, động vật lớn nhỏ ”.

Một cô bé đã nói thế này: “Mẹ Thiên nhiên là những cây gậy, những viên đá, vỏ cây, vỏ sò, những bông hoa. Mẹ thiên nhiên là những thứ từ bên ngoài. Mẹ thiên nhiên rất đẹp.”

Một cậu bé nói như thế này: “Mẹ thiên nhiên là Chúa. Mẹ Thiên nhiên đã tạo ra thực vật, động vật, cây cối và cả hoa nữa. Đó chính là mẹ thiên nhiên.”

Chuông reo báo hiệu giờ ra chơi đã đến. Những nhà tư tưởng lớp ba này khá ý thức về thế giới bên ngoài.

Trên đường hai mẹ con mình hay đi ngang qua, có một quán bán quần áo lớn. Quán rộng nhưng có vẻ ít khách. Có lẽ các cửa hiệu bán đồ may sẵn là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng sâu sắc nhất bởi làn sóng mua hàng online và thực tế là rất rất nhiều những cửa hàng không nhanh chóng kịp thời chuyển đổi đã phải đóng cửa, trả mặt bằng do quá ế ẩm, doanh thu không đủ bù đắp chi phí, chỉ riêng chi phí cho thuê mặt bằng thôi chứ đừng nói đến các chi phí khác.

Quán này hay mở nhạc, có hôm thì một bản mang đậm màu sắc Latin “Havana”, có hôm lại là thứ nhạc đầy cuốn hút của Ed Sheran. Hôm nay thì thấy phát ra âm thanh của một bài hát xưa cũ của một ban nhạc xưa cũ:

Oh, my sleeping child
The world’s so wild
But you’ve built your own
Paradise
That’s one reason why
I’ll cover you, sleeping child

Bài hát “Sleeping child” của ban nhạc đến từ đất nước Đan Mạch ‘Michael learn to rock”.

Có một đặc điểm của các nước Bắc Âu là dân họ nói tiếng Anh thành thạo như tiếng mẹ đẻ nên khu vực này có rất nhiều ban nhạc nổi danh toàn cầu (do hát bằng tiếng Anh): ABBA, Ace of Base, Aqua, M2M, Michael learn to rock….

Có một ban nhạc nghe tên có thể rất lạ với nhiều bạn “Stratovarius” nhưng nói tên một bài hát của họ là các bạn đã từng lớn lên ở thập kỷ 90 thấy quen ngay. “Forever”, bài hát trong bộ  phim truyền hình đình đám một thời của Hàn Quốc “Mối tình đầu”

I stand alone in the darkness
The winter of my life came so fast
Memories go back to childhood
To days I still recall

Stratovarius là ban nhạc rock khá tiếng tăm của Phần Lan, một nước Bắc Âu rộng lớn, giàu có và thưa thớt dân cư.

Chính không gian thoáng đãng, hùng vĩ với biển, hồ, rừng, núi bao bọc cùng cái khí hậu phương Bắc lạnh lẽo, khắc nghiệt nhưng cũng chứa chan bao nhiêu những sự diễm lệ, đẹp đẽ của tuyết, của sao băng, của đêm trắng, của những ánh sáng cực quang đã tạo ra những ban nhạc kiểu như Stratovarius ở Phần Lan hay ABBA ở Thụy Điển.

Những ban nhạc với những điệu nhạc khi thì mang âm hưởng khỏe khoắn, tươi mới, mạnh mẽ, tiết tấu nhanh khi lại trầm lắng, chậm rãi và cứ phảng phất một nỗi buồn không tên.

Về ca từ cũng rất tuyệt, trong sáng, hoài cổ và “đẹp”. Cũng không ngạc nhiên vì văn chương Bắc Âu không phải ở dạng “vừa”. Đọc mê lắm, không tin bạn đọc thử một tác phẩm xem, “Lại thằng nhóc Emil” của Astrid Lindgren chẳng hạn. Chả phải thằng nhóc nào cả, mà mụ già Hiền đây đọc tác phẩm này xong cũng thêm bội phần yêu đời và tươi trẻ :)), dù có là đang đắm chìm trong một giai điệu buồn như “Forever”

Oh how happy I was then
There was no sorrow there was no pain
Walking through the green fields
Sunshine in my eyes

“Forever” là một khúc ca hoài niệm về những tháng ngày tươi đẹp của ta khi còn thơ ấu, ở đó không có phiền muộn, không có nỗi đau “There was no sorrow there was no pain”  chỉ có niềm hạnh phúc, niềm hân hoan lấp lánh trong ánh mắt như những tia nắng ấm áp chiếu xuống thảo nguyên bao la.

Nhưng rồi ai cũng phải trưởng thành, phải lớn dần lên và phải đối mặt với những khó khăn thử thách trong cuộc sống, những thứ chắc chắn phải có và không thể tránh được dù cho ta có là ai.

Là ai thì cũng phải đi qua bốn mùa của cuộc đời. Hết mùa xuân tươi trẻ sẽ đến mùa hạ rực rỡ chói chang. Qua cái mát mẻ của mùa thu thì sẽ đến mùa đông lạnh lẽo. Thật ra, mùa đông của cuộc đời đến nhanh lắm, và nó càng nhanh hơn nếu trong cái giá lạnh tái tê đó chỉ có ta với mình ta. Một mình ta với nỗi cô độc trong màn đêm. “I stand alone in the darkness, the winter of my life came so fast” .

Khi “stand alone” ta mới càng thấy rõ hơn cái hữu hạn của cuộc đời, rằng ta chỉ như một hạt bụi cuốn đi trong gió, ta chỉ là một ngôi sao trên bầu trời phương Bắc bao la vô tận, ta chỉ là một ngọn gió rì rào qua những hàng cây.

Ta chỉ bé nhỏ như thế thôi, nhưng ta nguyện vẫn mãi bên em dù ở bất cứ nơi đâu. Liệu rằng em có mãi mãi đợi ta không?

I’m still there everywhere
I’m the dust in the wind
I’m the star in the northern sky
I never stayed anywhere
I’m the wind in the trees
Will you wait for me forever?

Một bản tình ca mùa đông đến từ Phương Bắc, ngọt ngào như một bức thư tình được trao gửi của những người đang sống trong tình yêu. Quá khứ tươi đẹp chính là sức mạnh tinh thần to lớn cho mỗi người để dẫu hiện tại có đau buồn thì những người đã can đảm đi qua nó, vượt qua nó chắc chắn sẽ tìm được hạnh phúc trong tương lai.  

Câu cuối cùng là điệp khúc nhắc lại vài lần phải chăng chứa đựng niềm hy vọng và niềm tin đó : Will you wait for me forever?

 

Có một ca khúc của Stratovarius mà mình cũng rất yêu thích là “Coming home”

I wake up in the morning
So far away from home
Trying to make it through the day
Many miles are between us
I’m sending my love

From this payphone

“Tôi” thức dậy vào một buổi sáng ở một nơi xa xôi không phải là quê nhà. Nơi đó tôi hoàn toàn cô độc bởi tôi cách xa em cả ngàn dặm. Tôi ở đó và chỉ biết cố gắng vượt qua cái cảm giác trống vắng đó từng ngày bằng những cuộc điện thoại trao gởi tình yêu

Through the storms we’ve wandered
Many mountains we have climbed
But all the bad times are behind
The road is free, I’m coming home.

 

Without you I am like
A ship without its sails
Calling the wind to save me
I’d climb the highest mountain
I’d cross the seven seas

Không có em tôi chỉ là kẻ bơ vơ không cánh buồm chỉ lối. Trên đại dương mênh mông với đầy hiểm nguy nhưng chỉ cần nghĩ tới em là tôi thấy mình có thể vượt qua mọi gian lao, trắc trở. Tôi có thể băng qua những ngọn núi dù là cao nhất, tôi có thể xuyên qua hết thảy đại dương như cách chúng ta đã đi qua những bão dông hay những thời điểm tồi tệ.

Con đường đang rộng mở trước mắt, bởi tôi sẽ được về nhà.

Chỉ cần nhìn thẳng về phía trước chắc chắn tôi sẽ thấy con đường của mình. Con đường đưa bước chân tôi trở về. Về với quê nhà yêu dấu để khi cánh cửa quen thuộc mở ra, tôi sẽ lại được thấy em, được nhìn thấy nụ cười nở trên môi em và tôi biết rằng chúng ta sẽ không còn là những người cô đơn nữa

Just to see you smile again
All the trust that was built along the years
Is coming back to stay
I know, just look ahead
The road is free, I’m coming home

 

With every stem I’m closer to home
When I’m back you won’t be alone
Soon I’ll see the familiar door before my eyes
And you
Through the storms we’ve wandered

 

Many mountains we have climbed
All the bad times are behind
The road is, the road is free, and I’m coming home

Lời bài hát chẳng khác nào một bài thơ tả cảnh đậm phong cách của vùng đất của những ngọn núi cao và biển sâu khiến ta như thấy như đang lạc vào xứ sở của những “Công chúa băng giá” Frozen, thấy như ta đang lênh đênh trên một “Cánh buồm đỏ thắm” nổi bật trước những cột băng trắng muốt ở vùng biển Bấc Cực.

Lời bài hát chẳng khác nào một bài thơ tả tình với nỗi lòng của một chàng trai dạn dày sương gió, hậu duệ của những người Viking can trường từ thuở xa xưa. Dũng cảm và cũng rất tình cảm. Nơi lý trí và ý chí sẽ dẫn dắt chàng đến nơi mà trái tim chàng muốn đến. Về nơi mà trái tim chàng thuộc về.

Đó chính là quê nhà của chàng nơi có người con gái vẫn ngày đêm chờ đợi chàng, mỗi phút mỗi giây. Nơi mà chàng chẳng cần phải hỏi “Will you wait for me forever?” Bởi “All the trust that was built along the years”

Trong một buổi tối đầu Đông đầy cảm xúc thế này, bạn hãy “Coming home” và  thư giãn bằng một ly trà nóng, trong tiếng violon đầy mê hoặc của “Forever”.

Tình yêu được nuôi dưỡng đôi khi chỉ từ những điều giản dị như thế!

 

You may also like

Để lại bình luận