TẠM BIỆT 2023!
Năm 2023 qua đi, đáng buồn, trên bình diện thế giới sự kiện nổi bật nhất vẫn là tin tức liên quan đến chiến tranh. Nếu bài hát của Taylor là “No Body, no Crime” thì chúng ta cũng có thể nói “No Human, No War”.
Sau khi vơ vét, khai thác đến cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, đẩy môi trường sống của biết bao nhiêu loài đến chỗ diệt chủng thì con người chỉ biết quay ra oánh nhau: Từ Âu sang Á, từ vùng đồng bằng đến sa mạc, cao nguyên. Nghèo thì đánh nhau để giành miếng ăn, giàu thì đánh nhau để giành tầm ảnh hưởng.
Cuối cùng chỉ “ngư ông đắc lợi”, cái thằng kích động cho những dân tộc khác lao vào đánh nhau chí mạng thì ở ngoài cứ rung đùi mà cười khẩy: Chúng mày cứ thoải mái chiến nhau đi nhá, chiến càng lâu thì doanh số bán vũ khí của tao càng cao và nhà tao vàng lại càng chất lên như núi.
Bởi vậy mà sau mỗi cuộc chiến tàn khốc, có những quốc gia kiệt quệ thì cũng có những đất nước phất lên như địa chủ được mùa.
Một quốc gia nhỏ như nước ta muốn đứng vững và phát triển trong bối cảnh địa chính trị vô cùng phức tạp như hiện nay, ngoài chính sách ngoại giao khôn khéo để tránh làm miếng mồi dưới tay các ông lớn (bài học nhãn tiền từ cuộc chiến Ukraine) thì nội lực của đất nước có vai trò quyết định.
Nội lực đó là gì nếu không phải là dựa trên nền tảng con người, những con người có đầy đủ Đức và Tài và Tấm lòng yêu Tổ quốc nồng nàn để kiến thiết đất nước mà cha ông họ đã dày công xây dựng suốt mấy ngàn năm lịch sử.
Trong serie tạm biệt năm cũ 2023 và chào đón năm 2024 mình và các bạn sẽ cùng nhau phân tích những sự kiện nổi bật về Chính trị, Kinh tế và Xã hội trong nước và quốc tế nhé!
Những sự kiện này mình tổng hợp từ các hãng thông tấn lớn trên thế giới và các báo cảo của các tổ chức quốc tế (IMF, WB…)
Nhật ký Monster,
Dec 28
Tôi đang ở vị trí mà một con gà gáy cả ba nước đều nghe, đó làm một đỉnh núi tuyệt đẹp quanh năm mây mờ bao phủ. Nó cũng đẹp như tình hữu nghị của ba nước anh em chúng tôi “Dù ai nói ngả nói nghiêng. Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Tôi luôn cho rằng, ngoài nội lực vững mạnh bên trong cần phải có, chúng tôi nên và phải xây dựng mối bang giao thuận hảo với các nước láng giềng như các cụ chúng tôi đã đúc kết “Bán anh em xa mua láng giềng gần”.
Hơn bất cứ người dân nơi đâu, với hàng triệu người con, những cha ông của chúng tôi đã ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc, chúng tôi hiểu được giá trị sâu sắc mà một nền hòa bình mang lại cho một quốc gia. Nếu không có hòa bình sẽ không bao giờ có đời sống ấm no và hạnh phúc cho người dân. Đó là chân lý không thể chối cãi
Những nước có chung đường biên giới với mình là những nước gần gũi với mình nhất, là cửa ngõ xâm nhập vào lãnh thổ nhà mình. Bởi vậy duy trì mối quan hệ thân thiện với họ góp phần đảm bảo cho sự ổn định và an bình ở trong nước.
Hơn nữa, nếu khai thác được lợi thế khoảng cách gần về mặt địa lý chúng tôi hoàn tòan có thể khai phá và phát triển được những thị trường đầy tiềm năng .
Tôi cứ lấy ví dụ thế này, một quả vải nổi tiếng vùng đồi núi trung du quê nhà cô Mây để xâm nhập được vào thị trường Mỹ phải trải qua biết bao nhiêu ngày vận chuyển mới tới được tay người tiêu dùng của họ. Vừa phát sinh chi phí cao, vừa làm giảm chất lượng nông phẩm. Dẫn đến sản lượng bán ra không được bao nhiêu.
Trong khi đó, cũng quả vải ấy chỉ đi một đoạn đường trăm cây số thôi, vượt qua biên giới phía Bắc là đã tiếp cận được hàng tỷ người tiêu thụ rồi, quá là lợi thế ấy chứ. Thế nên chúng tôi phải xây dựng mối bang giao hữu hảo với họ, như thằng Mountain bạn tôi nó quyết tâm học tiếng Hán là rất đúng.
Phải học tiếng họ thì mới hiểu con người họ, dân tộc cùng nền văn mình rực rỡ của họ đặng mà cùng nhau hợp tác làm ăn. Không có cớ gì chúng ta học Đông, học Tây trong khi những thứ vĩ đại như thế ngay bên cạnh mình thì lại chẳng chịu học nên chẳng hiểu gì.
Tôi nhắc lại, đó là một thị trường vô cùng rộng lớn và béo bở mà bất cứ một doanh nhân nào cũng mong ước được xâm nhập.
-Mày nói đúng đấy Monster, tao đang ở cửa khẩu giáp biên những ngày cuối năm và phải công nhận số lượng hàng hóa của bà con nông dân mình đang đợi được thông quan qua lãnh thổ bên ấy là rất rất lớn. Không chỉ có quả vải quê nhà cụ Model U70 đâu :)) mà còn có hàng dài những container chở sầu riêng miền Tây quê tao và thanh long quê mày nữa. Ở đây cán bộ hải quan họ phải làm việc ngày đêm để hàng hóa được thông thương nhanh nhất có thể. Tao cảm nhận nếu họ chỉ ngưng làm việc một ngày thôi là thiệt hại đã là rất lớn cho bà con rồi
– Cám ơn mày đã thông tin Mountain.
-Không có gì. Ah, thằng Charile gởi lời hỏi thăm mày, nó nhắn mày chừng nào mày xuống núi chủ trì cho hôn lễ của thằng William thì nhớ báo nó trước vài tuần để nó đặt vé máy bay sớm cho rẻ. Khổ thẳng nhỏ, đi chơi vẫn không quên nhiệm vụ làm MC cho thi sĩ nhà chúng mày :)).
Thằng Mountain nói đến đây thì cúp máy. Nó đang tạm rời xa công việc giải thoát cho Thị Kính để đi hỗ trợ điều phối hàng hóa nông sản cho các bác tài quê nó. Gì chứ mới làm việc với doanh nhân nước bạn được có vài ngày mà tôi nghe nó đã “Nǐ hǎo” rồi ” Xièxiè” lia lịa qua điện thoại.
Tôi chỉ thắc mắc không biết nó đã nói được “我爱你”chưa ? :)) (xin lỗi, tôi còn gặp các bạn thời gian dài trong tháng tới đây nên lâu lâu cho tôi (giả vờ) lãng mạn tí, không thì thành cụ thật chứ chả :)))
Chúng ta sẽ trở lại với chủ đề nông nghiệp sau khi tôi nhận được hết bảng báo cáo của chúng nó.
Còn giờ tôi xin quay trở về với thực tại của thế giới. Trong hàng loạt các bức ảnh gây ấn tượng toàn cầu trong năm 2023 mà Tờ The New York Times chọn lọc thì một trong những sự kiện chiếm nhiều nhất là
CUỘC CHIẾN NGA – UKRAINE
Ôi, nói đến đất nước rộng lớn nhất thế giới là nước Nga thì có nhiều chuyện để tìm hiểu đây, ngoài Văn học ra chúng ta hãy xem vị trí địa lý của nó ảnh hưởng thế nào đến cuộc xung đột đã kéo dài mấy năm trời với đất nước láng giềng một thời là anh em chúng chí hướng Ukraine, qua nhận định của tác giả Tim Marshall
NHỮNG TÙ NHÂN CỦA ĐỊA LÝ
Nga là một đất nước rộng lớn. Rộng lớn nhất. Mênh mông. Diện tích của Nga là sáu triệu dặm vuông, bao phủ mười một múi giờ; là quốc gia lớn nhất thế giới. Rừng, hồ, sông ngòi, lãnh nguyên đóng băng, thảo nguyên, rừng taiga và vùng núi của nước Nga, tất thảy đều mênh mông. Kích thước này đã hằn sâu trong nhận thức tập thể của chúng ta.
Dù chúng ta có ở nơi đâu, thì nước Nga vẫn luôn ở đó, có thể nằm về phía đông, phía tây, phía bắc hay phía nam – nhưng luôn luôn có Gấu Nga vĩ đại. Không phải một điều tình cờ mà gấu là biểu tượng của quốc gia bao la này. Gấu luôn ở đó, đôi khi ngủ đông, đôi khi gầm gừ, oai phong nhưng hung dữ. Gấu là một từ có trong tiếng Nga, nhưng người Nga luôn ngại ngần khi gọi sinh vật này bằng tên thật, họ sợ rằng điều đó sẽ gợi nhắc đến mặt tối của nó. Họ gọi nó là medved, “kẻ thích mật ong”.
Ít nhất có 120.000 medved sống tại một đất nước nằm vắt từ châu Âu sang châu Á. Phía tây của Dãy núi Ural là phần nước Nga thuộc châu Âu. Phía đông dãy núi là Siberia, trải dài một lèo đến tận biển Bering và Thái Bình Dương. Thậm chí ngay trong thế kỷ 21, đi ngang qua đất nước này bằng đường sắt cũng phải mất sáu ngày. Các nhà lãnh đạo của nước Nga phải nhìn xuyên suốt những khoảng cách như vậy, những khác biệt như vậy, rồi đề ra những chính sách phù hợp; trong mấy thế kỷ nay họ đã hướng mắt về mọi phương, nhưng chủ yếu tập trung vào phía tây.
Khi các nhà văn tìm đường đến trái tim của chú gấu này, họ thường sử dụng lời nhận xét nổi tiếng về nước Nga của Winston Churchill, vào năm 1939: “Đó là một câu đố được bọc trong một bức màn bí ẩn, giấu bên trong một cỗ máy mã hóa”, nhưng ít người nói trọn câu nói ấy, nó kết thúc bằng, “nhưng có thể có một chiếc chìa khóa. Chìa khóa đó chính là lợi ích quốc gia Nga”. Bảy năm sau, ông đã dùng chiếc chìa khóa này để mở ra đáp án của ông cho câu đố đó và khẳng định,
“Tôi bị thuyết phục rằng không có gì họ ngưỡng mộ bằng sức mạnh, và không có gì họ ít tôn trọng bằng sự yếu đuối, đặc biệt là sự yếu đuối về quân sự.” Có thể lúc bấy giờ ông đang nói về giới lãnh đạo đương nhiệm của Nga, bất chấp việc được bao bọc kỹ trong tấm áo dân chủ, về bản chất vẫn là một thể chế độc tài lấy lợi ích quốc gia làm cốt lõi.
Khi Vladimir Putin không nghĩ về Thiên Chúa, hay những rặng núi, ông ta nghĩ về bánh pizza. Cụ thể là, hình dạng của một lát bánh pizza – hình nêm. Đầu nhọn của hình nêm này là Ba Lan. Nơi đây, dải Đồng bằng Bắc Âu mênh mông trải từ nước Pháp đến dãy Ural (rặng núi kéo dài khoảng một ngàn dặm từ nam chí bắc, tạo thành một ranh giới tự nhiên giữa châu Âu và châu Á) chỉ rộng ba trăm dặm. Bình nguyên này chạy từ biển Baltic ở phía bắc đến dãy núi Carpathian ở phía nam.
Đồng bằng Bắc Âu bao quanh miền Tây và miền Bắc nước Pháp, nước Bỉ, Hà Lan, miền Bắc nước Đức và hầu hết Ba Lan. Từ góc nhìn của Nga, đây là một thanh kiếm mà hai cạnh lưỡi đều sắc. Ba Lan hiện diện như một hành lang khá hẹp mà Nga có thể đưa quân đội đi xuyên qua khi cần thiết và nhờ vậy ngăn chặn kẻ địch tiến đến Moscow.
Nhưng từ đầu nhọn này, hình nêm cũng bắt đầu trải rộng ra; khi chạm đến biên giới Nga, nó đã rộng hơn hai ngàn dặm, và từ đó đi tới Moscow và xa hơn nữa địa hình thảy đều bằng phẳng. Ngay cả khi có một quân đội lớn, bạn cũng phải vô cùng vất vả để phòng thủ bằng vũ lực dọc toàn bộ tuyến đường này. Tuy nhiên, Nga chưa bao giờ bị xâm chiếm từ hướng này, một phần là nhờ chiều sâu có tính chiến lược của nó. Một đội quân đến thời điểm tiếp cận được Moscow thường phải duy trì một đường hậu cần dài dằng dặc đến mức không kham nổi, một sai lầm mà Napoléon đã mắc phải vào năm 1812, và Hitler lặp lại năm 1941.
Tương tự, tại miền Viễn Đông nước Nga, chính địa lý đã che chở cho đất nước này. Việc di chuyển một quân đội từ châu Á lên phần đất Nga thuộc châu Á là vô cùng khó khăn; hầu như không có gì để làm mục tiêu tấn công ngoài tuyết, và bạn bất quá cũng chỉ có thể tiến tới dãy Ural. Sau đó, bạn sẽ chỉ chiếm được một phần lãnh thổ mênh mông, trong những điều kiện khắc nghiệt, với đường tiếp tế hậu cần dài dặc cùng nguy cơ bị phản công thường trực.
Bạn có lẽ cho rằng không ai từng có ý định xâm lược nước Nga, nhưng đó không phải là suy nghĩ của người Nga, và họ có lý. Trong vòng năm trăm năm trở lại đây, họ đã bị xâm lược một vài lần từ phía tây. Người Ba Lan vượt qua Đồng bằng Bắc Âu năm 1605, sau đó là người Thụy Điển dưới thời của vua Charles XII vào năm 1708, người Pháp dưới quyền Napoléon vào năm 1812, và người Đức hai lần, trong cả hai cuộc Thế chiến năm 1914 và 1941.
Nhìn theo một cách khác, nếu tính từ cuộc xâm lược của Napoléon năm 1812, rồi tính cả cuộc Chiến tranh Crimea năm 1853-1856 và hai cuộc Thế chiến cho đến năm 1945, như vậy người Nga phải chiến đấu trong hoặc xung quanh Đồng bằng Bắc Âu trung bình ba mươi ba năm một lần. Vào cuối Thế chiến II năm 1945, người Nga chiếm giữ một vùng lãnh thổ chiếm đoạt được từ nước Đức tại Trung và Đông Âu, một số vùng trở thành một phần của Liên bang Xô viết, khi nó ngày càng trở nên giống với Đế chế Nga cổ.
Năm 1949, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được hình thành bởi sự kết hợp của châu Âu và các quốc gia Bắc Mỹ, để phòng vệ châu Âu và Bắc Đại Tây Dương trước hiểm họa tấn công từ phía Liên bang Xô viết. Để đáp lại, đa số các quốc gia cộng sản ở châu Âu – dưới sự lãnh đạo của Nga – thành lập Khối Hiệp ước Warsaw năm 1955, một hiệp định phòng thủ và tương trợ về quân sự.
Hiệp ước này được coi là vững như thành đồng, nhưng sau vài năm của thập niên 1980, nó đã bị gỉ sét, và sau khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, nó tan thành khói bụi. Tổng thống Vladimir Putin không phải người hâm mộ vị tổng thống Liên Xô cuối cùng, Mikhail Gorbachev.
Ông đổ lỗi cho Gorbachev vì đã làm suy yếu an ninh Nga và đề cập đến sự tan rã của Liên bang Xô viết trong những năm 1990 như “một thảm họa địa chính trị lớn của thế kỷ”. Kể từ đó, người Nga lo lắng canh chừng trong khi NATO cứ từ từ lén đến gần, kết nạp thêm các nước mà Nga tuyên bố là các nước này đã từng hứa sẽ không tham gia: Séc, Hungary và Ba Lan vào năm 1999, Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Romania và Slovakia vào năm 2004 và Albania trong năm 2009.
NATO nói rằng chẳng có một cam kết nào như vậy từng được đưa ra. Nga, như mọi cường quốc khác, đang nghĩ cho một trăm năm tới và hiểu rằng trong khoảng thời gian đó mọi thứ đều có thể xảy ra. Một thế kỷ trước, ai có thể đoán được là các lực lượng quân đội Hoa Kỳ sẽ đóng quân tại Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic, cách Moscow chỉ vài trăm dặm? Đến năm 2004, mới mười lăm năm kể từ năm 1989, tất cả các thành viên cũ của Khối Hiệp ước Warsaw trước đây, trừ Nga, đều tham gia NATO hoặc Liên minh châu Âu. Tâm trí của chính quyền Moscow nhờ đó mà đã được tập trung, và nhờ cả lịch sử của nước Nga nữa.
Nước Nga là một khái niệm khởi đầu từ thế kỷ 9 và là một liên bang lỏng lẻo của các bộ lạc Đông Slav được gọi là Rus Kiev, gốc gác tại Kiev và các thành thị khác dọc theo sông Dnieper, ngày nay thuộc Ukraine. Người Mông cổ trong khi mở rộng đế quốc của họ, đã liên tục tấn công vùng đất này từ phía nam và phía đông, sau cùng tràn vào vùng đất này vào thế kỷ 13. Khi đó, nước Nga non trẻ được dời về hướng đông bắc, trong và xung quanh thành phố Moscow.
Nước Nga sơ khai này, được gọi là Đại Công quốc Muscovy, không thể phòng thủ được. Không có núi, không có sa mạc và chỉ có vài con sông. Bốn bề đều là bình nguyên, và bên kia thảo nguyên ở phía nam và phía đông là người Mông Cổ. Kẻ xâm lược có thể tiến vào bất kỳ nơi nào họ chọn, và hầu như không có vị trí phòng thủ tự nhiên nào để đồn trú. Xuất hiện Ivan Bạo Chúa, vị Sa hoàng đầu tiên.
Ông ta thực hành khái niệm tấn công để phòng thủ -có nghĩa là bắt đầu sự bành trướng bằng cách củng cố ngay từ cứ địa của mình và sau đó di chuyển hướng ra bên ngoài. Cách này sẽ dẫn tới sự vĩ đại. Đây là một con người đã chủ trương lý thuyết cho rằng cá nhân có thể thay đổi lịch sử. Nếu không có nhân vật kết hợp cả tính tàn nhẫn quyết liệt và có tầm nhìn này, lịch sử Nga đã rất khác với ngày nay.
Nước Nga non trẻ bắt đầu bành trướng từ từ dưới thời ông nội của Ivan, tức Ivan Đại đế, nhưng sự bành trướng này đã tăng tốc sau khi Ivan trẻ lên nắm quyền năm 1533. Nga xâm lấn về phía đông đến dãy Ural, về phía nam đến biển Caspi và phía bắc tiến đến vành đai Bắc cực.
Nga tiếp cận được biển Caspi, sau đó là biển Đen, do vậy nó tận dụng lợi thế của dãy Caucasus làm thành rào cản một phần giữa nó và Mông Cổ. Một căn cứ quân sự được xây dựng ở Chechnya nhằm ngăn chặn bất kỳ kẻ nào lăm le tấn công, dù là những đoàn kỵ binh thiện nghệ của Mông Cổ, của Đế chế Ottoman hay của người Ba Tư.
Tuy có vài thất bại, nhưng trong thế kỷ tiếp theo, Nga đã vượt qua dãy Ural và tiến dần vào Siberia, cuối cùng sáp nhập toàn bộ dải đất đến bờ Thái Bình Dương xa tít về phía đông. Giờ đây, người Nga đã có một vùng đệm không hoàn chỉnh và một vùng nội địa – có chiều sâu chiến lược – một nơi nào đó để rút về trong trường hợp bị xâm lấn. Sẽ không có ai tấn công họ bằng vũ lực từ Bắc Băng Dương, cũng không ai cố vượt qua dãy Ural để đến vùng đất của họ. Dải đất của họ đang trở thành nước Nga như chúng ta biết hiện nay, và để đến được nơi đó từ phía nam hay đông nam, bạn phải có một đội quân khổng lồ, một đường tiếp vận hậu cần rất dài và phải chiến đấu để vượt qua nhiều cứ điểm phòng ngự