1.
Buổi sáng mẹ gọi điện dặn “Con ơi nhớ mang theo cái quạt nan nhé, có nóng thì còn có cái quạt”
giờ thì lạnh teo, tàu lửa có trang bị máy lạnh lạnh đến mức có cảm tưởng đang ở mùa đông :))
4 năm sinh viên, trừ đột xuất mới đi ô tô còn thì bọn mình toàn đi tàu từ quê về Hà Nội và ngược lại. Vì đi tàu vui và rẻ, chỉ 4.000 đồng cho chặng 70km. Trên tàu chỉ toàn sinh viên và các cô, các bà buôn chuyến tàu chợ nên cứ là rôm rả từ lúc lên đến khi xuống.
Mình nhớ ngày đó thầy giáo dạy môn Kinh tế chính trị của bọn mình ở trường ktqd cũng cứ cuối tuần là nhảy tàu về quê thái nguyên. Thầy là thương binh nên dạy có cái chất nhiệt thành của người lính. Có lần trên tàu mình hỏi thầy, tại sao gia đình thầy không chuyển về Hà Nội để thầy đỡ phải đi lại.
Thầy cười hiền, không biết trêu hay thật bảo là vì vợ thầy không thích xa đồng đất quê hương: bà ấy là nông dân chính gốc, suốt đời bám lấy mảnh ruộng, nương ngô, quen ở rộng rãi rồi nên xuống Thủ đô chỉ vài ngày là lại đòi về vì tù túng. Thôi thì đất không chịu trời thì trời phải chịu đất vậy :)).
Phòng trên tàu hỏa của mình có bốn người thì hai em gái người Quảng Ngãi và Huế còn trẻ. Các em bảo chị ơi, mỗi lần trở về quê không hiểu sao em luôn có cảm giác rất vui và chờ đợi dù em đã ở Sài Gòn cả chục năm rồi.
“Trời lại mưa rồi. Huế có một đặc điểm là đã mưa thì bao giờ cũng lạnh. Mưa dầm dề cả ngày và lạnh buốt. Giờ này ba mẹ em ở nhà là đã dọn mâm cho bữa tối chị ạ. Các cụ đã lớn tuổi nên ăn sớm, nghỉ sớm. Giá ở quê có nhiều việc làm thì em sẽ ở nhà với ba mẹ, chứ không xa quê đâu chị.”
Em nói và nhìn xa xăm ra cửa kính, đã thấm đẫm nước mưa tạt vào. Ánh mắt đẹp và thăm thẳm buồn, một vẻ “có chút gì rất Huế”.
Tàu đang chạy qua vùng xứ Đạo, nhà thờ dày đặc,thi thoảng lại thấp thoáng nghĩa trang với những cây thánh giá,
mưa trắng trời, và người thưa vắng,
chợt nghe văng vẳng từ đâu dội về
trời còn là mưamưa rơi mênh mangtừng ngón tay buồnem mang em mangđi về giáo đườngngày chủ nhật buồn
Nói chuyện một lúc thì chúng mình mỗi người lại chui vào cái tổ riêng của người nấy.
Im lặng. Mình lấy từ balo quyển sách mỏng lấy đại ở nhà có tên “Edison mà tôi biết”.
đọc mấy trang đầu đã thấy đề cập rất nhiều đến tàu hỏa. Một trong số đó là vì Edison do đã cứu con của một nhân viên nhà ga trên đường ray xe lửa.
Và để trả ơn thì người cha này đã dạy Edison về điện báo. Công việc điện tín viên tuy chỉ tạm thời nhưng đã mở đường đưa ông đến với ngành điện và chuyển hướng ông khỏi dự định ban đầu là nhà hóa học,
việc cứu thoát một đứa trẻ khỏi đường ray tàu hỏa là cú rẽ bất ngờ để bắt đầu sự nghiệp mới của Edison – sự nghiệp sẽ mang đến cho chúng ta bóng đèn sợi đốt và toàn bộ hệ thống cung cấp điện cho ngành công nghiệp hiện đại.
Còn mình mỗi khi trời mưa gió thế này ở quê chả hiểu sao ký ức đọng lại trong mình vẫn là buổi tối chỉ mong ….mất điện :)))

2.
“Đi tàu thời gian này là vắng đấy chị. Đợt tết em về người nằm la liệt ra cả hành lang ấy, chen nhau chật cứng. Nhưng tết mà, mua được vé về là tốt lắm rồi. Em không đi được ô tô, say lắm”.
chúng mình lại chuyện trò sau một lúc im ắng. Buổi tối trong toa xe không đủ ánh sáng để đọc, gấp sách lại cho khỏe.
cái kiểu nằm im trong bóng tối và kể chuyện cho nhau nghe là một kiểu sống chậm điển hình, càng ngày càng hiếm trong xã hội hiện đại. Vì ai giờ đây cũng bị buộc chặt vào điện thoại, từ người lớn đến con trẻ và cả các cụ thấp thập cổ lai hy.
“Chị có hay coi tiktok không?”
“Chị còn chưa có cả tài khoản tiktok”
“Trời, ba mẹ em gần 80 rồi mà còn mê coi tiktok đó chị. Thế còn con?” Em quay qua hỏi con mình
“Con có. Tiktok có nhiều thứ, kiểu cũng hay mà cũng nhảm ấy”.
“Em giờ ngày không vào tiktok coi cái nọ cái kia là em không chịu được. Kiểu như nghiện ấy chị”.
“Bởi vậy nghiện gì cũng khổ nên tốt nhất đừng biết để khỏi nghiện” :))). Mình đùa.
“chị có phải người Hà Nội ?”
“không em ạ, chị người thái nguyên”
“sao em nghe giọng chị Hà nội lắm. Mà thái nguyên là ở đâu em nghe rất lạ”
sáng đi taxi em tài xế cũng hỏi mình y như vậy, thái nguyên ở đâu :))
2h sáng hành khách lục tục chuyển tàu, tạm đi xe buýt sang ga La Hai từ ga Tuy Hòa do đường ray bị sự cố đợt mưa vừa rồi.
50km thành phố vùn vụt trong ánh điện đêm. Nha Trang, Tuy Hòa, Quy Nhơn, ba thành phố ven biển miền Trung mà mình cảm thấy thích nhất.
Bình Định trong ánh bình minh đẹp tuyệt. Những dãy núi thấp trập trùng ngay gần tầm mắt. Bên dưới là những cánh đồng nhỏ xanh mướt, một màu xanh của lúa và của dừa.
Không hiểu sao ngắm cảnh vùng “đất võ trời văn” qua ô cửa sổ này mình lại nhớ đến đường từ Hà Nội về Thái Nguyên, đoạn qua huyện Sóc Sơn.
Lối ta đi giữa hai sườn núiĐôi ngọn nên làng gọi núi Đôi
Người Bình Định ở Sài Gòn có một điều gì đó rất giống người Nghệ An ở Hà Nội. Một cộng đồng có nhiều người giỏi và tài năng trong các lĩnh vực.
Ngắm cảnh chán định viết bài thơ vì đi qua đất của của các nhà thơ tình nhẽ chẳng họa được nấy một bài :)),
song mới chợt nhận ra mình không biết viết thơ tình ;)). Thế là lại thôi, kiếm lại cuốn Edison để đọc.
thì ôi, chả thấy đâu nữa, mình đã bỏ quên trên tàu tại ga Tuy Hòa rồi.
quờ đại vào balo xem còn quyển nào không. “Nghĩ giàu, làm giàu” của Naponeon Hill, cuốn sách nhỏ bằng bàn tay mua từ đời nảo đời nào chưa ngó ngàng tới lần nào,
thế mà hữu duyên sao qua đất Bình Định lại lù lù xuất hiện trước mặt :)))
“quả này có khi chưa về đến quê mẹ sẽ làm được một bài thơ tình” :))
Con gái mình buông một câu, ngay khi tàu dừng ở ga Quảng Ngãi

3.
Tháng năm,
Mưa từ nam ra bắc. Những cánh đồng xâm xấp nước trải dài, in bóng bầu trời đang sà xuống một màu xám xịt.
trên đường thiên lý bắc nam nếu có một nơi nào đó gây nhiều cảm xúc nhất với mình thì hẳn đèo Hải Vân luôn được nghĩ đến đầu tiên.
Hải Vân, cái tên đẹp quá! Đẹp như chính cảnh sắc nơi ấy, một vẻ đẹp của non nước hữu tình, của núi và biển, của đá và hoa hòa quyện vào nhau hợp ý đến mê hoặc.
Tàu chạy trên cung đèo Hải Vân bao lâu mình và nhiều hành khách chắc cũng không để ý vì ai cũng như đang đắm chìm vào với khung cảnh trước mắt mỗi người. Chỉ để không bỏ lỡ những gì mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất mẹ mến yêu, dù rằng có lẽ với nhiều người đây không phải là lần đầu tiên đi qua Hải Vân.
Những vách núi hình vòng cung ôm trọn những vịnh nước nhỏ hiền hòa. Những vùng nước như vừa được định dạng đóng lại bởi chân núi vững chắc quây quanh, như vừa được mở rộng ra tít tận đường chân trời nhờ một lối mở duy nhất.
biển áp sát vào núi, những hòn đá, phiến đá màu nâu sậm nhấp nhô. Sóng, nước đã là bạn của chúng hàng triệu năm qua và có thể là hàng triệu năm tới.
Nuớc bào mòn đá, đá thanh lọc nước. Đá cứng, nước mềm. Đá tĩnh, nước động. Chúng cứ ôm ấp nhau như thế mặc cho bao cuộc bể dâu trôi qua.
Đá còn nằm xoài ở lưng chừng núi. Để làm nở hoa. Những vạt hoa dại, gần như không ai biết tên, nở trắng muốt, át đi cả màu xanh của cây cỏ.
Cả thảm hoa trắng là những áng mây rớt xuống hạ giới. Mây trắng trên trời- mây hoa lưng chừng núi- mây sóng vỗ rì rào dưới mặt biển ở chân đèo.
“Xưa mây vẫn hay thường lang thang”
Nếu lang thang trong một không gian hùng vĩ, thơ mộng và hoài cảm dường ấy, trong cái thời điểm chiều tà thế này, thì dù không thể thấy bóng hoàng hôn vì mặt trời đã khuất bóng từ lâu, vẫn trào lên trong lòng một nỗi nhớ da diết, mơ hồ nào đó
“không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
Qua đèo Hải Vân. Tàu băng qua những hầm tối, rồi lại thoát ra vùng sáng và lại đi vào vùng tối. Đèo dài, tàu dài, ngồi ở toa cuối có thể thấy toa đầu đã vắt sang bên kia vách núi. Thầm biết ơn ai đã tạo ra con đường sắt cheo leo nơi rừng sâu núi thẳm để chúng ta được chiêm ngưỡng những kiệt tác đẹp đến nao lòng của thiên nhiên
“con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui
qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi”
Huế đã hiện ra trước mắt.
Huế mộng, Huế mơ, Huế thương, Huế nhớ
Ôi, bước sang đất Huế lại nhớ tha thiết chất giọng Huế hiền từ của cô bán bún bò Huế gần nhà mà từ lâu hai mẹ con mình đã là khách hàng trung thành. Cô bán hàng mà lúc nào cũng nhẹ nhàng, từ tốn ” Mấy tuần rồi không thấy các con ra, cô tưởng nhà con chuyển đi đâu rồi?”
Giọng nói dịu dàng, phong cách điềm đạm, trầm tĩnh, lối sống thâm trầm là một đặc trưng xứ Huế bảo sao vùng đất này là cái nôi của nhiều bác sĩ giỏi, nhà toán học giỏi và cũng là mảnh đất thấm đẫm một bầu không khí thi ca nhạc họa.
“Chào hai mẹ con nha. Chúc chị và con có một chuyến nghỉ hè vui”
Em gái thu xếp hành lý để chuẩn bị xuống tàu. Mình cũng chào em và hẹn gặp lại em một lúc nào đó ở Sài Gòn.
cô gái Huế dễ thương ấy cười tạm biệt, nụ cười đẹp làm sao của một người con xứ Phong Điền.
“giữ chút gì rất Huế đi em
nét duyên là trời đất giao hòa”

Tháng Năm đang qua rồi!
Cơn mưa có đưa mình về tháng Sáu?